Ngày 15 /7/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký
ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ
Internet và thông tin trên mạng, có hiệu lực từ ngày 01/9/2013. Tuy chưa có hiệu lực thi hành, nhưng ngay khi Nghị định 72 được công bố
thì trên các diễn đàn, trang mạng xã hội… đã sôi sục bàn luận về vấn đề
này với những ý kiến trái chiều khác nhau. Ủng hộ có, phản đối có.
Một vài những người có quan điểm phản đối, chỉ trích đối với Nghị định 72 vì họ đã hiểu sai một số nội dung và mục đích của việc ban hành. Còn lại phần lớn quan điểm
phản đối xuất phát từ cách nhìn phiến diện, thiếu tinh thần xây dựng hoặc lợi dụng
sự nhiễu loạn thông tin để đưa ra những ý kiến mang tính chất chống đối chính quyền, kích động quần chúng nhân dân vi phạm pháp luật, cố tình làm dư luận
hiểu sai về mục đích Chính phủ ban hành Nghị định này.
![]() |
Ta ghét ánh sáng và pháp luật |
Nghị định 72/2013/NĐ-CP gồm 06 chương và 46 điều, quy định cụ thể về
việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Trong
Nghị định này, phần gây tranh cãi nhiều nhất chính là khoản 4 Điều 20, cụ thể
khoản này quy định: “Trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin điện tử
do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội
để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức
hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp”. Khi đọc đến khoản này,
nhiều người đang dùng trang cá nhân như facebook, twitter, blog… sẽ lập tức phản
đối vì thói quen copy và chia sẻ tất cả các nội dung trên trang cá nhân của
mình từ nay sẽ bị cấm. Nhưng thực tế thì không phải như vậy. Đó là do mọi người
có sự nhầm lẫn, hiểu sai mà thôi.
“Thông tin tổng hợp” là thông tin được tổng hợp từ nhiều nguồn
thông tin, nhiều loại hình thông tin về một hoặc nhiều lĩnh vực chính trị, kinh
tế, văn hóa, xã hội (quy định tại khoản 19, Điều 3 của Nghị định 72). Điều 20 của
Nghị định quy định về phân loại trang thông tin điện tử. Theo đó, trang thông
tin điện tử được phân loại thành 04 loại: báo điện tử, trang thông tin điện tử
tổng hợp, trang thông tin điện tử nội bộ, trang thông tin điện tử cá nhân và
trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành. Cụm từ “không cung cấp thông tin
tổng hợp” dùng để phân biệt trang thông tin điện tử cá nhân với trang thông tin
điện tử tổng hợp, bên cạnh đó nó không chỉ xuất hiện ở trang thông tin điện tử
cá nhân mà còn có ở trang thông tin điện tử nội bộ, trang thông tin điện tử ứng
dụng chuyên ngành. Như vậy, đây chỉ là một căn cứ để phân biệt các loại hình
trang thông tin điện tử, không phải đưa ra để cấm người sử dụng trang điện tử
cá nhân chia sẻ tin tức.
Ngoài ra, tại Điều 10 Nghị định (quy định về Quyền và nghĩa vụ của người
sử dụng Internet), tại Điều 26 Nghị định (quy định về Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng
dịch vụ mạng xã hội) cũng không có cụm từ nào thể hiện việc cấm người dùng
trang cá nhân không được chia sẻ tin tức.
Xét về mục đích ban hành Nghị định này là để: “Những thông tin tổng hợp, thông tin chính thức của các cơ quan
báo chí còn liên quan đến vấn đề bản quyền, vấn đề của cơ quan báo chí, không
thể lấy từ chỗ này đặt sang chỗ kia được, mà phải trích dẫn, xin phép, đồng ý…” - ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền. Như vậy, mục đích ban hành là nhằm đến vấn đề bản quyền, khác với mục đích mà
nhiều người vẫn hiểu sai.
Nhiều người hiểu sai
Nghị định này chỉ đơn thuần là vấn đề câu chữ, nhưng cũng có những người cố
tình hiểu sai hoặc lợi dụng việc mọi người hiểu sai để đưa ra những bình luận
mang tính kích động chống đối lại Đảng, Nhà nước, định hướng dư luận đi theo một
chiều hướng khác. Đó là những cái nhìn phiến diện, mang định kiến cá nhân, không vì lợi ích của cộng đồng, của quần chúng nhân dân.
Thực tế các vụ lợi dụng các trang mạng xã hội lừa đảo, vu khống, đe dọa người khác khiến nhiều gia đình tan cửa nát nhà, nhiều em học sinh phải tìm đến con đường chết để giải thoát. Đó chính là hệ quả của việc mạng internet bị lợi dụng bởi những mục đích xấu. Rõ ràng, cần phải quản lý, kiểm soát việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Người dân sẽ yên tâm hơn khi sử dụng các dịch vụ internet được quản lý của nhà nước, không phải nơm nớp lo sợ bị lừa đảo, bị hack nick, bị vu khống, bị đe dọa...
Để Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ phát huy được tác dụng tích cực của nó, thiết nghĩ mỗi người dân cần có cái nhìn đúng đắn về nội dung, sự cần thiết và mục đích ban hành để từ đó chấp hành nghiêm chỉnh. Những cái nhìn phiến diện, định kiến cần phải bị lên án mạnh mẽ, không thể trà đạp lên lợi ích của quần chúng nhân dân để đánh bóng tên tuổi, mong sự chú ý, giúp đỡ của các cá nhân, tổ chức bên ngoài. Hành vi đó xét về bản chất không gì khác là chống đối chính quyền, đi ngược lại lợi ích của quần chúng nhân dân Việt Nam, của dân tộc Việt Nam.
Nam Hoàng