Sự việc các nhân viên
siêu thị của một siêu thị sách Tây Nguyên bắt một trẻ em đeo bảng chỉ vì lấy lấy
2 cuốn sách đã gây nên sự bức xúc tột độ trong dư luận. Tuy sự
việc cũng trôi qua được hơn cả tuần lễ rồi, nhưng nghĩ lại vẫn thấy buồn, chán
cho kiểu hành xử của người lớn nên viết xin viết đôi lời tản mạn qua sự việc
này.
Nếu xét dưới khía cạnh
pháp luật thì những hành động của các nhân viên siêu thị trong vụ việc này đã
vi phạm pháp luật, cụ thể là họ đã phạm phải điều 121 Bộ luật hình sự, đó là tội
làm nhục người khác. Không ai có quyền xét xử hay áp dụng hình phạt với người khác ngoại trừ
cơ quan thực thi pháp luật. Nhưng thôi,
chúng ta hãy bàn đến khía cạnh khác của vấn đề này, đó là khía cạnh nhân văn,
nhân đạo, hay tóm lại là cách hành xử giữa những người lớn với một cô bé đáng
tuổi con, tuổi e mình.
Nếu ai hỏi những con
người có lương tri về vụ việc chắc chắn họ sẽ trả lời là chung rằng buồn, buồn
lắm! Buồn vì những thành viên có đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ với xã hội, hay
là một công dân đầy đủ đã hành xử một cách thiếu suy nghĩ, gây nên những hiệu
quả nghiêm trọng với một “búp trên cành”. Buồn vì những “người lớn” nhưng chỉ lớn
về mặt hình thể, thân xác bề ngoài mà không có sự trưởng thành đúng nghĩa về
trí tuệ, nhận thức. Cay đắng hơn vụ việc còn cho thấy những con người đó bộc lộ
bản chất chợ búa, dẫm đạp lên bất cứ xung đột với lợi ích họ mà không cần tới
pháp luật, bất chấp nhân văn nhân đạo, bất chấp sự đau đớn về tinh thần của người
khác. Sao họ không nghĩ rằng nếu đặt vào vị trí đó là con gái họ, em gái họ đi.
Thử hỏi thật tâm can họ có xót xa không? Sao họ không nghĩ rằng cách trừng phạt
của họ sẽ đem lại kết quả gì, lợi hay hại? Buồn vì não của họ chỉ nghĩ được đến
thế.
Tôi biết chắc rằng khi
mất đi hàng hóa của siêu thị thì bản thân bảo vệ, những người quản lý sẽ có
nguy cơ ảnh hưởng đến quyền lợi. Nhưng họ hành xử với một trẻ em dưới 13 tuổi
như một nhục hình thời trung cổ vậy có đáng hay không? Rõ ràng đầu óc của họ chỉ
nghĩ đến lợi ích mà sử dụng đến những hình phạt ác nghiệt về tinh thần như vậy
để chà đạp danh dự, nhân phẩm của một đứa trẻ mới lớn.
Tôi từng nhớ một câu
chuyện rằng, tại bộ lạc nọ họ có một cách trừng phạt người phạm lỗi rất hay. Nếu
một người trong bộ lạc đó phạm tội, thì cả bộ lạc sẽ đưa họ ra và tất cả mọi
người cùng nói những lời tốt đẹp, khơi lên những điều tốt đẹp mà người đó có. Họ
làm thế và người kia thấy rằng cần phải sống tốt, để rồi nhận lỗi và họ lại hòa
nhập với cộng đồng bộ lạc như xưa. Vậy nhưng thế giới văn minh của chúng ta lại
không làm được điều tương tự thế đối với một trẻ em. Những nhân viên bán hàng
đã từng học qua trường lớp bán hàng, tiếp thị, tâm lý khách hàng nhưng lại
không làm được điều đó. Trong vụ việc vừa qua tại tỉnh Gia Lai lại càng tréo
nghoe hơn là bé gái đó không lấy cái gì đó để ăn, chơi, mà lấy 2 cuốn sách. Mà
theo như chứng minh sau này là bé gái cầm 2 cuốn sách hiên ngang, không để
trong người, chỉ là chưa kịp thanh toán. Thôi thì cứ mặc định rằng bé gái đó ăn
cắp đi. Nhưng đối với tôi mà nói thì cái sự ăn cắp cái chữ, ăn cắp kiến thức
thì nên khuyến khích. Và còn có vô vàn cách khác để xử lý một tình huống như vậy
một cách tế nhị hơn và thẫm đẫm tình người hơn.
Nhưng buồn thay, những
nhân viên siêu thị kia đã không chút mảy may suy nghĩ mà “hành hình nhân cách” của
một cô bé đáng tuổi em, tuổi con mình mặc cho cô bé đó lấy gậy đập vào đầu mình
để tự tử. Xét dưới góc độ tình cảm phải chăng họ là những con người sắt đá, máu
lạnh hơn cả những nhà độc tài trung cổ. Câu hỏi đặt ra là liệu sau biến cố “bêu
rếu, chà đạp danh dự, nhân phẩm” kia thì cô bé đó sẽ phát triển ra sao. Những
xúc cảm tiêu cực lấy gì để gột rửa, những sang chấn về mặt tâm lý làm sao để
bình ổn được. Hay là mỗi khi cầm cuốn sách lên lại nghĩ về những biến cố mà cuộc
đời em đã từng trải mà hãi hùng, từ bỏ luôn cả sự học. Tóm lại, hậu quả mà những
kẻ vô tâm, thiếu tình người kia đã gây ra chắc chắn là khó ai mà lường hết được.
Qua sự việc trên là một
ví dụ điển hình phản ánh sự “vô cảm”, thiếu tình người đang diễn ra. Chúng ta
không thể trách rằng trẻ con thế này thế nọ, hư hỏng, lệch lạc về nhận thức và
nhân cách khi chính những người lớn vẫn chưa lớn thực sự như vậy. Chúng ta là
những động vật cao cấp, là “con người” nên hãy hành xử sao cho nhân văn nhất,
cho dù đó là người đã từng có lỗi lầm. Hy vọng rằng qua vụ việc đáng buồn này
những “người lớn” phải xem lại mình về cách hành xử, nhất là những vụ việc mang
tính tế nhị, nên hành xử sao cho nhân văn hơn, hay đối nhân xử thế làm sao cho
phần “người” trong mỗi chúng ta thắng phần “con”.
Quốc Thái