Chỉ là chuyện liên quan
tới một luận văn thạc sỹ của Nhã Thuyên mà cả thiên hạ ầm ĩ lên, biết bao ý kiến
trái chiều, đồng tình ủng hộ và cả trách móc người viết ra luận văn nữa. Nhận
thấy văn học không là một đề tài thế mạnh của bản thân nên xin mạn phép có đôi
lời về sự việc đang gây náo động dư luận.
Cũng do những blog lề
trái, lề phải gây nên um xùm náo loạn về vụ luận văn thạc sỹ thì tôi mới biết đến
cái gọi là nhóm thơ “Mở miệng”. Một nhóm thơ mà theo bản thân tôi thì mới là một
nhóm thơ mới hình thành, chưa từng có tên tuổi gì cả. Bởi dù gì thì tôi cũng là
người hay đọc thơ để cảm nhận các giá trị mà nó đem lại. Tìm hiểu về nhóm thơ
“Mở miệng” này mới biết được sâu xa bản chất của vụ việc mà chúng ta đang bàn đến.
Nó ảnh hưởng đến nguyên nhân mà luận văn thạc sỹ của Đỗ Thị Thoan bị thiên hạ
đào bới, soi mói đến từng ly từng tí và đã bị Hội đồng khoa học duyệt luận văn
tước bỏ cái gọi là “giá trị khoa học” của nó.
Theo bản thân tôi mà
nói thì sự việc thiên hạ “lời ong tiếng ve” qua sự việc này không phải là không
có lý do. Đơn giản nhất là bên nào cũng cố nhào nặn sự kiện này cho đúng với mục
đích của mình. Bên những người ủng hộ Đỗ Thị Thoan thì đằng nào chẳng mong muốn
rằng luận văn của người mình có thiện cảm được duyệt, trót lọt, là bước đầu
thành công cho con đường nghiên cứu khoa học. Còn trong vụ việc phế bỏ công
trình nghiên cứu này cũng đem lại cho những kẻ hận thù Cộng sản một cơ hội béo
bở đó là áp ngay cho Nhà nước cái tội “Cộng sản không có tự do văn học nghệ thuật”,
chính trị hóa một vấn đề mang tính văn học…Chính những mục đích đó mà không phải
ai cũng có thể nhìn nhận về vụ việc một cách khách quan, trung thực.
Nói về luận văn của Đỗ
Thị Thoan thì đó có thể là một quá trình nghiên cứu, nhưng theo tôi thì cái chủ
đề nghiên cứu của chị không hợp lý, nghiên cứu cái không có giá trị, nhưng chẳng
may chị đã đưa nó trở nên có giá trị. Về bản chất, nhóm “Mở Miệng” chỉ là một
nhóm thơ tự phát của những kẻ mang trong mình tư tưởng bậy bạ một cách vô lối.
Với những câu chứ mà họ gọi là thơ như "Từ
mười bảy trở đi, sách kỉ lục ghi thành tích như sau:/- Mười sáu lần bị từ chối
nhập trường học vì ăn mặc hở hang/- Mười sáu lần lấy chồng nước ngoài, trừ châu
Âu và Mỹ/- Mười sáu lần mắc bệnh về đường sinh dục/- Mười sáu lần vào tù ra trại
với giấy chứng nhận phục hồi nhân phẩm".
Họ vạch ra những thứ tục
tĩu không thể hơn được nữa,thô lậu tới mức ai đọc cũng muốn buồn nôn. Thế mà là
thơ à? Thế mà là nghệ thuật à? Bản chất của “Mở Miệng” là đây à? Muốn cách tân
thơ mà lại cách tân để đưa con người vào cõi dục vọng đen tối, kích thích thú
tính một cách hoang dại thế này à. Họ đang sử dụng nhóm Mở miệng như là một
trung tâm phát hành những văn hóa phẩm độc hại lưu hành dưới dạng chữ viết và
in chui in lủi dưới cái gọi là nhà xuất bản “giấy vụn”. Ấy vậy mà chị Đỗ Thị
Thoan lại lấy nó làm cái gọi là mang tính đột phá của nền thơ chúng ta và đã
không ngần ngại có một công trình khoa học về nó.
Việt Nam là một nền văn
hóa mang đậm chất Á Đông, có những truyền thống đẹp đẽ và thanh cao…thơ văn
cũng nằm trong nền văn hóa đó. Cho dù cha ông chúng ta đã từng có những thành
ngữ, tục ngữ rất trần trụi để lột tả hết mọi mặt của cuộc sống con người và sự
phát triển của xã hội nhưng không bao giờ nó là bệnh hoạn và ngôn từ thô tục
như mấy thứ mà nhóm “Mở miệng” này tạc ra. Nếu như ai đó nói rằng “Văn hóa còn
thì dân tộc Việt Nam còn”, điều đó luôn đúng. Văn hóa đặc trưng cho một dân tộc
vậy mà những kẻ như nhóm “Mở miệng” này lại góp chung vào nền văn hóa dân tộc
những thứ nhơ nhớp và bệnh hoạn như vậy thì ai mà chẳng lên án chúng. Vì vậy
nhóm Mở miệng đã không được người yêu thơ hoan nghênh. Hay tóm lại đó chỉ là những
kẻ cặn bã bên lề xã hội. Ấy vậy nhưng một công trình khoa học lại đem nó ra làm
đối tượng nghiên cứu, mổ xẻ…Đây là một sai
lầm nghiêm trọng của chị Đỗ Thị Thoan. Việc phá bỏ một đề tài như thế là tất yếu
để bảo vệ nền văn học chúng ta nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung, không
thể tạo cơ hội cho những thứ dơ bẩn của nhóm “Mở miệng” lên ngôi.
Mặt khác, việc chị Đỗ
Thị Thoan bảo vệ một công trình khoa học thì chắc chắn rằng sẽ phải tuân theo
những tiêu chí đánh giá nhất định của Hội đồng thẩm định. Vì thế tốt nhất là chị
nên tôn trọng điều đó. Một luận văn nghiên cứu về một vấn đề không có ý nghĩa,
và không được sự ủng hộ, đồng tình thì chắc chắn rằng nó không có giá trị gì cả.
Đây có lẽ cũng là bài học sâu sắc cho những người làm nghiên cứu khoa học, nhất
là một vấn đề nhạy cảm, có tính ảnh hưởng lớn như văn học.
Quốc Thái