Tôi thấy ở đời mỗi người có một cái
duyên, cái nợ với một nghề, nó là nghề, là nghiệp của bản thân đến nỗi ông cha
ta phải nói “sinh nghề tử nghiệp” cả đời dẫn thân, gắn bó với nó. Chỉ cần đó là
một nghề dù là bình thường, từ lao động trí óc cho đến vận động cơ bắp, những
nghề cao quý cho đến những nghề rất đỗi bình thường. Ai gắn với nghề đều là một
quá trình, yêu nghề, giỏi nghề, tâm huyết với nghề để trọn đời với nó.
Nghề báo cũng là một nghề như vậy, không đơn giản mà ai cũng có thể viết
báo, không phải ai cũng có thể cầm bút lên là viết được. Người viết báo, không
chỉ như là viết vài dòng nhật ký cá nhân, càng không phải là một vài dòng thơ của
phút dây tức cảnh sinh tình, càng không chỉ đơn thuần là một vài lời văn mang ý
chí chủ quan trong những phút yếu lòng bật nên cảm xúc. Viết báo là cả một quá
trình tích tụ đạo đức, nguyên tắc nghề nghiệp, tôn trọng sự thật khách quan,
luôn trân trọng bảo vệ cái đúng, dám đứng lên chống lại sự sai trái, dám hy
sinh thân mình cho cả lợi ích chung của cộng đồng.
Nghề báo là nghề đặc thù, nó có sự pha trộn giữa văn chương và nghệ thuật
phản ánh sự thật khách quan không thể thoát khỏi thực tại. Người làm báo phải
coi sự thật là yếu tố hàng đầu, tôn trọng sự thật khách quan, không bóp méo sự
thật vì bất cứ mục đích nào khác. Không
thể coi nghề báo là một nghề để làm giàu được nếu như đó là người làm báo chân
chính. Mọi nghề nghiệp đều có những chuẩn mực đạo đức, quy tắc nghề nghiệp nhất
định, nghề báo cũng như vậy. Hơn nữa sự khắt khe, nghiêm khắc của đạo đức nghề
báo còn được đặt lên tất cả. Như một ký giả nổi tiếng người Mỹ đã phát biểu rằng
“báo chí là binh chủng có sức mạnh chỉ đứng sau hải, lục và không quân”. Rõ
ràng đây là một nhận xét vô cùng sắc bén. Với đặc thù là một trong những “quyền
lực” mà nó mang trong mình đối với xã hội thì khoảng cách giữa chân chính và bất
chính chỉ là sợi tơ mỏng manh. Người làm báo nếu mất đi bản chất cách mạng, dẫm
đạp lên lợi ích nghề nghiệp sẽ chẳng khác nào là một tên văn nô bồi bút, một
con buôn tin tức trong xã hội đầy rẫy tham vọng và ích kỷ. Khi nhà báo quên đi
tất cả những nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp cũng là lúc lòng tham đi liền với tội
ác lên ngôi. Một bài viết có thể đem một cá nhân, một tổ chức, doanh nghiệp…đi
đến bờ vinh quang, nhưng cũng có thể làm tất cả trở về con số không tròn trĩnh,
phá sản trên mọi khía cạnh.
Nói đến nghề báo là một nghề của sự hy sinh, sự hy sinh bởi vì không ai
thiếu can đảm mà có thể dám làm báo, không ai muốn nhàn hạ mà đi theo nghề báo,
càng không ai muốn sung sướng mà đi theo nghề báo. Nếu kể đến thời chiến thì sự
vất vả và hiểm nguy nhất sẽ là những phóng viên chiến trường, còn thời bình thì
vô vàn các nhà báo đang rong ruổi khắp mọi miền Tổ Quốc, từ vùng sâu vùng xa
cho đến miền biên viễn, hải đảo của Tổ Quốc để trực tiếp đưa tin, mang những sự
thật đến với người đọc, mong mỏi rằng những tin tức đó sẽ mang lại sự thật
khách quan nhất cho đọc giả. Tuy rằng nó không hiểm nguy đến mất đi sinh mạng
như những phóng viên chiến trường nhưng nó cũng là những gian nan vất vả va chạm
với thực tế để lấy được nguồn tin, để thu tin nhanh nhất, chân thực nhất.
Nghề báo là khởi nguồn để phơi bày sự thật nên sẽ luôn có những đụng chạm
với các thế lực xấu, với những bọn tội phạm, những kẻ làm ăn phi pháp và vô vàn
khó khăn khác nữa. Vì thế ai đó giữ được cái tâm thì mới giữ được nghề đúng
nghĩa. Người làm báo chân chính phải luôn biết lắng nghe, nắm được sự thật, đứng
lên bảo vệ cái đúng, bảo vệ những người không có địa vị, phải mưu sinh, bị oan
khuất, với phương châm “cây ngay không sợ chết đứng”.
Tuy nghề báo là một nghề mang đặc thù như vậy,nhưng buồn thay hiện nay
báo chí, báo lá cải đang có xu hướng lên ngôi, tạo thành những trào lưu gây nhầm
lẫn cho người đọc với vô vàn kiểu giật tít. Phải chăng kinh tế thị trường với đồng
tiền đặt lên hàng đầu đang dần dần ngấm vào báo chí, tạo thành những tệ nạn
không đáng có. Những nhà báo đang tự biến mình thành lều báo khi tác nghiệp
không sát thực, không đúng nguyên tắc nghề nghiệp, chỉ giật tít câu vìu. Từ những
vụ giật tít những tình huống bệnh hoạn nhất được nghĩ ra như chuyện giường chiếu
loạn luân cho đến giật tít cảnh sát giao thông đánh người… Trong khi bản chất sự
việc thế nào chưa ai biết, đầu cua tai nheo thế nào chưa ai rõ. Sự nguy hiểm của
nó là đang đầu độc thông tin chúng ta một cách vô tình hay hữu ý cũng như đang
làm mất đi những giá trị đích thực nhất của nghề báo, đánh mất đi báo chí cách
mạng.
Có lẽ việc cơ quan chức năng vào cuộc cũng còn một quãng thời gian mới chỉnh
được những “lều báo” này. Trong lúc chúng ta đang hàng ngày hàng giờ phải cập
nhật thông tin cho cuộc sống thì chúng ta vẫn đang có nguy cơ bị đầu độc bởi
các “lều báo”. Vì thế, để bảo vệ mình, tốt nhất hãy biết đọc có chọn lọc.
Quốc Thái