Vừa qua, báo Trí Thức Trẻ bị Bộ
văn hóa thông tin và truyền thông xử phạt và cấm hoạt động. Chắc chắn đây sẽ là
tiếng chuông cảnh tỉnh cho tất cả các tờ báo mạng đang hoạt động, đồng thời
cũng là bài học đau đớn mà đội ngũ phóng viên và biên tập viên tờ báo cần khắc
ghi để không bao giờ lặp lại sai lầm đó nữa.
Thử hỏi dư luận xem. Nền báo chí
xứ ta hiện giờ ra sao? Lấy cướp giết, hiếp làm nền cho báo chí, lấy giật tít,
gây sốc để câu vìu, lấy những ngôn từ “đắng lòng”, “xót lòng” làm dẫn tựa đề thì
thử hỏi báo chí còn mấy bản chất. Nhất là báo mạng hiện nay. Sự bùng nổ công
nghệ thông tin làm cho những người làm báo mạng cũng đang phát đạt. Nhưng sự ăn
nên làm ra của giới báo mạng thường là đi kèm với lượng người đọc chứ chắc gì
đã đi kèm với chất lượng thông tin. Bản chất làm tiền đang lan tỏa, lan tràn
trong giới báo mạng. Các nhà báo không được coi là “nhà báo” mà mỉa mai thay bị
coi là “lều báo”. Những con người từng thề thốt cầm bút vì sự thật ngày xưa
trên các tờ báo viết nay còn đâu. Những người làm báo mạng phải chăng đang chểnh
mảng, quên đi sứ mệnh và quyền lực mà họ nắm trong tay. Họ đã quên đi sứ mệnh của
họ là đem lại sự thật và quyền lực tiếng nói truyền thông phải là để phục vụ cộng
đồng.
Báo Trí Thức Trẻ trong vụ việc vừa
rồi là một khẳng định cho việc đi sai lệch tôn chỉ mục đích. Cái tên Trí Thức
Trẻ thốt ra trong trẻo, nó sẽ như là một nơi để tiếp thêm sức mạnh kiến thức
cho cộng đồng, đem lại cái nhìn toàn cảnh cho xã hội về những vấn đề trong cuộc
sống. Nhưng ai ngờ vụ việc vừa rồi đã làm cho người khác tá hỏa. 270 triệu đồng
và 3 tháng đình chỉ hoạt động gây nên một tổn hại lớn. Nhưng tổn hại lớn nhất
đó chính là bản thân Trí thức Trẻ là một chủ thể truyền thông nhưng lại rơi vào
khủng hoảng truyền thông. Vụ việc sẽ để lại một tai tiếng, giống như một vết
nhơ mãi mãi cho tờ báo.
Báo Trí Thức Trẻ có lẽ không phải
là đơn vị đầu tiên gây ra những vụ việc như thế này. Một thông tin bịp bợm, giống
như tin vịt được đăng lên với cái tiêu đề là “Gái miền Tây và 3 chữ N nổi danh
thiên hạ”. Nếu ai đọc bài viết này cần thấy rõ những khía cạnh khai thác không
đúng sự thật, giống như là một bài viết gợi tính tò mò hơn là làm báo đúng
nghĩa. Người làm báo phải là đưa sự thật khách quan đến với người đọc, nhưng phải
hiểu rằng họ phấn đấu cho một xã hội tốt đẹp lên chứ không phải đang làm cho mọi
thứ ô uế, đen xám, bôi bẩn xã hội. Người làm báo phải dấn thân để mang lại sự
thật, dám hy sinh thân mình để bảo vệ lẽ
phải. Còn trong trường hợp phóng viên của báo Trí Thức Trẻ vừa qua họ đã có cái
nhìn thiển cận về con người, về xã hội và thể hiện cho sự nghèo nàn về nhân
cách. Họ sử dụng ngôn từ câu view rẻ tiền để miệt thị người miền Tây. Tác giả
bài báo đã quá cục bộ trong suy nghĩ, đã bán đi nghề báo, bán đi đạo đức nghề
báo và bán đứng chính danh dự của họ vào bài báo đó.
Đã từng có những tờ báo mạng đăng những tin tức phân tích không đúng, thậm
chí là có tư tưởng và ý kiến ngược lại với đường lối của Đảng, pháp luật của
Nhà nước. Như đăng tải bài phân tích và đòi đa nguyên đa đảng…(không tiện nêu
tên).
Thiết nghĩ bản thân mỗi người làm
báo, dù là báo giấy, báo viết báo mạng, báo hình thì cũng đều phải đặt lương
tâm, đạo đức, nguyên tắc nghề nghiệp lên hàng đầu. Có như thế con người mới có
thể hoạt động đúng với nghề nghiệp của họ, không gây ra hậu họa cho xã hội. Lướt
web nhiều có thể thấy hiện nay có đầy các trang web, blog có nội dung không tốt
về tư tưởng. Tuy Bộ Văn hóa thông tin và truyền thông đang cố gắng để làm trong
sạch môi trường mạng nhưng vẫn còn một số trang tồn tại. Qua đây hy vọng rằng
chủ các trang web, blog có nội dung xấu như chống phá chính quyền, nội dung đồi
trụy hãy thức tỉnh trước khi quá muộn. Báo Trí Thức Trẻ như thế là còn nhẹ. Hãy
nhìn vào những kẻ như Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào để tự biết phải làm sao,
tránh cho bản thân mình vướng phải vòng lao lý.
Quốc Thái