Những năm qua, cùng với sự phát
triển của khoa học kĩ thuật. Internet phát triển một cách rầm rộ. Hàng loạt các
trang báo, các website được mở với rất nhiều mục đích và hoạt động trên nhiều
lĩnh vực khác nhau.Bên cạnh những website chính thống hoặc hoạt động có ích
trên các lĩnh vực đời sống xã hội thì cũng xuất hiện rất nhiều trang rất “giả”
hoạt động chống phá nước ta, thậm chí còn mượn cớ tên tuổi để giả tạo.
Đặc biệt, gần đây, trên mạng thấy
xuất hiện nhiều website mang tên các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ,
Quốc hội và một số bộ, ngành… Nguồn gốc thực sự của các trang này chưa ai xác
minh được. Tuy nhiên có một điều mà chúng ta phải hiểu rằng những đồng chí lãnh
đạo cao cấp của chúng ta, với tư cách là đại diện cho Nhà nước, chính quyền và
nhân dân thì việc chia sẻ một quan điểm, một nội dung đều thông qua cơ quan nhà
nước chính thức hoặc phương tiện truyền thông chính thức…
Hơn nữa, thực tiễn ngày nay cho
thấy, trong thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá cách mạng
Việt Nam, các thế lực thù địch không từ bất cứ âm mưu, thủ đoạn nào. Họ tấn
công chúng ta trên mọi phương diện, ở mọi lĩnh vực nhưng tư tưởng, văn hóa là
lĩnh vực họ đặc biệt quan tâm. Nhiều chiêu thức tinh vi, thâm độc, nguy hiểm được
họ áp dụng và ít nhiều đã có tác dụng, gây cho chúng ta những khó khăn, phức tạp
nhất định.
Một trong những chiêu thức ấy là
lập các trang web giả mạo website của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước,
lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, những người có uy tín trong xã hội… để
thông qua đó tung tin bịa đặt, gieo rắc sự hoài nghi trong xã hội, nhất là trước
những vấn đề nhạy cảm. Để tạo dựng lòng tin, trên những website này thỉnh thoảng
cũng có những bài viết, những thông tin chính xác, nhưng đa phần là xuyên tạc sự
thật, kích động chia rẽ nội bộ, gieo rắc sự nghi ngờ… Nhưng cái khéo ở những
bài viết trên các website này là họ không nói trực diện, hướng dư luận theo kiểu
“phải trái phân minh” một cách rõ ràng mà thường lập lờ để dư luận tự phán xét.
Lối chống phá của họ rất công phu và kiên trì. Có khi cùng một bài viết, hầu hết
thông tin là chính xác, họ chỉ cài vào trong đó một vài thông tin thiên lệch dễ
khiến người đọc tin là thật và như vậy đã được xem là thành công. Toan tính của
họ là “mưa dầm thấm lâu”, nói một lần chưa tin thì nói nhiều lần ắt phải tin;
bài này lái một chút, bài kia lái một chút… nếu người đọc không tỉnh táo dễ dẫn
đến những suy nghĩ lệch lạc và hành vi sai trái.
Sự thật lịch sử và lòng tin của
nhân dân không dễ bị tác động, lung lạc nhưng để phòng, chống những âm mưu, thủ
đoạn nêu trên nếu chúng ta chỉ tập trung vào việc điều tra, làm rõ, xử lý
nghiêm các trang web mạo danh, các trang web đăng tải những thông tin chống Đảng
và Nhà nước thì chưa đủ.
Biện pháp cơ bản, lâu dài là phải
thường xuyên đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nâng cao cảnh giác cho toàn dân
trước những âm mưu, thủ đoạn, chiêu thức tinh vi, thâm độc của các thế lực thù
địch phản động. Nhận thức chính trị đúng đắn và thị hiếu lành mạnh, đó là cơ sở
để người dân sàng lọc, tiếp nhận, xử lý thông tin trên internet một cách chuẩn
xác, không mắc mưu kẻ xấu.
A.C