Sự hỗn loạn của Ukraine
đã kéo dài qua hơn hai năm, một đất nước nhỏ bé, nằm dưới bóng của một nền văn
minh lớn đại Nga, thật không quá khi nói nó tương đồng với Việt Nam hình chữ S
bên cạnh nước lớn Trung Quốc với nền văn minh Hoa Hạ. Sự bất phân thắng bại
trên chiến trường đang kéo dài, đưa lại sự kiệt quệ cho Ukraine và sự giao
tranh ngày càng ác liệt trên nhiều mặt trận giữa một bên là Nga, một bên là Mỹ
và phương Tây chưa có hồi kết. Cái lợi đối với nước Nga chỉ là tạm thời, lợi
ích chiến thuật, còn đối với phương Tây sự sai lầm nối tiếp sai lầm và lệnh cấm
vận chỉ là sự trả thù ăn miếng trả miếng với Nga trong phút chốc. Trong khi
Trung Quốc, một nước lớn đang trỗi dậy, trong tâm thế “tọa sơn quan hổ đấu” đang
đạt được những lợi ích trước mắt và lâu dài.
Chiến trường Ukraine (biếm họa)
Ukraine suy cho cùng chỉ
là chiến trường quyết đấu giữa Nga và phương Tây, những kẻ thù mãi bất phân thắng
bại. Hậu quả khốc liệt và bi đát của Ukraine ngày hôm nay chính là do sự sai lầm
của giới hoạch định chiến lược phương Tây, khi họ cố đẩy biên giới đến sát nước
Nga, buộc Nga phải phản đòn để bảo vệ lợi ích chiến lược của mình. Nga vẫn mãi
là cường quốc hạt nhân, điều sỉ nhục nhất đó là bị cường quốc khác đặt căn cứ
tên lửa ngay vùng đệm chiến lược sát sườn mình và có thể giã bất cứ lúc nào. Tất
nhiên sự tan rã nhanh chóng của nền độc lập Ukraine một phần do những nguyên
nhân tích tụ qua nhiều thế hệ lãnh đạo, khi quá lệ thuộc vào Nga trong khi chưa
có những tiền đề chuẩn bị cho sự gia nhập thế giới phương Tây. Điều sai lầm lớn
nhất đó là giới tinh hoa kỹ trị phương Tây đã tự biến Nga thành kẻ thù của
mình, cố công vùi dập những nỗ lực gia nhập thế giới văn minh tiến bộ của Nga.
Nếu như một chiến lược gia đã từng phát biểu rằng “Nước Nga chưa bao giờ thuộc
về Châu Âu” nhưng chính Châu Âu đang tìm mọi cách để đuổi nước Nga ra khỏi Châu
Âu. Đáng lẽ Châu Âu đã có thêm một thành viên để duy trì sự ổn định và an ninh
khu vực thì họ lại làm ngược lại, vuốt đuôi Mỹ để tạo ra chính biến Ukraine, đe
dọa đến lợi ích của Nga và tạo ra hậu quả bi đát như ngày hôm nay.
Mỹ và phương Tây quên
đi rằng Nga có lãnh thổ lớn nhất, dân số quá thấp, tỉ suất sinh đều ở mức con số
âm. Điều đó nói lên rằng tham vọng về lãnh thổ đối với nước Nga là rất thấp, hầu
như không có. Chính phủ Nga đang đau đầu với việc kiểm soát vùng Viễn Đông mênh
mông và giàu có của mình, hơi đâu để xâm chiếm vùng đất mới. Tham vọng ban đầu
của nước Nga đó là duy trì một chính phủ thân Nga tại Ukraine và duy trì hạm đổi
biển Đen tại Crime vô thời hạn. Nhưng phương Tây đã quá sai lầm khi đánh giá thấp
Nga, dùng chính biến để cướp đi vùng đệm chiến lược của Nga. Và điều Putin làm
đó là sáp nhập Crime và duy trì một chính quyền thân Nga bị chia cắt tại miền
Đông Ukraine. Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn, tiếng súng trên chiến trường
không ngớt, những cuộc hòa đàm tại Minks vẫn chỉ mang tính hình thức trong khi
trên thực tế Mỹ, phương Tây và Nga vẫn đánh nhau âm thầm trên chiến trường
Ukraine. Sự hao tâm tổn lực này suy cho cùng không mang lại lợi ích cho bên nào
cả. Mỹ, phương Tây đã rất sai lầm khi có những cuộc chinh phạt đối với thế giới
Hồi giáo tiêu tốn nhiều tiền của. Nay lại sai lầm khi cố công cướp lấy một
Ukraine mãi nằm dưới sự ảnh hưởng của nền văn minh Đại Slavo. Còn Nga, suy cho
cùng cũng chỉ phải mệt mỏi để giải quyết đống bầy nhầy Ukraine do phương Tây tạo
ra. Những thắng lợi mà Nga đạt được hôm nay chỉ là mặt chiến thuật, tạm thời
như duy trì được hạm đội biển Đen, chia cắt Ukraine để tạo vùng đệm chiến lược cho
mình. Mất mát lớn nhất là hơn 20 năm cố gắng để hòa nhập với cộng đồng quốc tế
nay đã tan tành. Những mối giao thương kinh tế bị cắt đứt phong tỏa, con đường
để Nga gia nhập với nền văn minh phương Tây đã bị chặn mọi ngõ hầu. Nền kinh tế
Nga vật vã với khủng hoảng buộc Nga phải nhún nhường bắt tay với Trung Quốc để
giải quyết khủng hoảng với những thiệt thòi thuộc về mình.
Tham vọng của Trung Quốc (biếm họa)
Trong cuộc chơi tay ba
Mỹ và phương Tây, Nga, Trung Quốc thì chính Trung Quốc đang “ngư ông đắc lợi”
khi đang cố gắng vận dụng mọi thời cơ để phát triển kinh tế cũng như tham vọng
bành trướng lãnh thổ.Trung Quốc đã ép Nga ký được những hợp đồng béo bở về dầu
khí và vô vàn lợi ích khác. Mỹ đã quên đi rằng họ đã được lợi thế rất lớn trong
chiến tranh thế giới thứ 2 khi nhìn Liên Xô và Châu Âu đánh nhau thì Trung Quốc
hiện nay cũng đang như vậy. Mỹ, phương Tây và Nga chọi nhau kéo dài đến kiệt quệ.
Trong khi Mỹ chỉ là cái vỏ hào nhoáng, là con nợ lớn nhất của Trung Quốc. Còn
Nga đã đúng khi bắt buộc phải bảo vệ lợi ích sống còn của mình nhưng một ngày
nước Nga sẽ không đứng thẳng trước Trung Quốc giàu có, dân số đông và đầy tham
vọng, lắm toan tính. Trong toán học thì hình tam giác được tạo ra từ 3 điểm bao
giờ cũng cân bằng trong một mặt phẳng. Trong thế giới chúng ta cũng vậy, nếu ba
thế lực Mỹ và phương Tây, Nga, Trung Quốc đã là ba điểm để duy trì mặt phẳng
không bao giờ chông chênh. Nhưng nếu có sự hợp nhất hoặc đánh nhau giữa 2 trong
3 thế lực thì chắc chắn sẽ gây bất ổn cho thế giới. Nguy hiểm hơn cả là sự
chông chênh của mặt phẳng ấy đang đem lại lợi ích cho Trung Quốc, nước lớn,
giàu có nhưng có một tham vọng bành trướng lãnh thổ không bao giờ chấm dứt,
đang đe dọa đến sự tồn vong của dân tộc Việt Nam hơn bao giờ hết.
Quốc Thái