Cứ mỗi đận có một anh kỹ sư hay anh gì gì đó phát minh ra một sản phẩm
hay một nhân tài nào đoạt được một giải thưởng abc nào đó thì y như rằng sẽ có
những cơn lên đồng tập thể cùng những chỉ trích với những niềm tự hào vô bờ bến
và ngay lập tức sau đó sẽ dập tắt, nhà phát minh kia cũng đi vào dĩ vãng như
khói thuốc đã tàn. Nay nhân dịp ông Phan Bội Trân - một kỹ sư từ Pháp hồi hương
chế tạo tàu ngầm đang gây sóng gió cộng đồng mạng, tác giả xin có đôi lời xung
quanh các phát minh nửa mùa đã và đang được tán thưởng.
Tàu
ngầm mini của ông Phan Bội Trân - Nguồn: Internet
Trước hết, cần thừa nhận và hoan nghênh những sáng tạo, niềm tự hào của
dân tộc Việt Nam hơn 4 ngàn năm lịch sử. Nhưng cần hiểu, sáng tạo và ứng dụng
được sáng tạo trong thực tế là hai vấn đề khác nhau hoàn toàn, tuy nhiên sáng
tạo và không ngừng sáng tạo đó là cánh cửa cho tương lai tiến bộ loài người. Vì
vậy những sáng tạo của người Việt rất đáng được hoan nghênh, mặc dù sự đóng góp
cho nhân loại còn ít ỏi, khiêm tốn. Những anh nông dân chế tạo máy bay trực
thăng, những ông già chế tạo lò đốt rác hay những kỹ sư máy in chế tạo tàu ngầm
và cả kỹ sư hàng không, hàng hải chế tạo tàu ngầm…đều đáng được tôn trọng và
khuyến khích. Vấn đề chúng ta đề cập đến ở đây là lời nói và việc làm, lý
thuyết và thực tế trong sáng tạo và ứng dụng sáng tạo cũng như thái độ của
chúng ta trước những công trình sáng tạo có một không hai bất hủ địa cầu này.
Quay trở lại với phát minh máy bay trực thăng của một hai lúa ở Đồng Bằng
Sông Cửu Long, một máy bay với khung gầm hàn sơ sài, ghế ngồi bằng nhựa, động
cơ máy nổ chạy dầu và cánh quạt mỏng dính. Nhìn qua chỉ thấy đó là sự nguy
hiểm, nếu cho bay lên bầu trời, nếu rơi xuống chắc chắn bay mất củ sọ của khối
anh tò mò. Ngay lập tức bị cấm bay và dư luận chỉ trích chính quyền. Rồi lò đốt
rác của một ông già nào đó, khói tỏa mịt mù trắng xóa, được thiên hạ đồn ầm gần
xa, người Nhật sang xem, cơ quan của các Bộ trong nước đến kiểm định lắc đầu
nguầy nguậy, bởi ô nhiễm môi trường và tốn nhiên liệu để đốt rác. Rồi tàu ngầm
Trường Sa 1 của ông Nguyễn Quốc Hòa, một doanh nhân chế tạo và lắp ráp máy in
và mấy đồ dân dụng khác. Ông đã tuyên bố tàu ngầm của ông chạy được bằng công
nghệ AIP độc lập tiên tiến. Cũng không hơn không kém, Bộ Quốc phòng vào cuộc và
các cơ quan chức năng khác hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật để thiết kế, thử
nghiệm, báo chí hô hào đưa tin ầm ĩ, dư luận chỉ trích chính quyền nuôi nhiều
giáo sư tiến sỹ ăn hại, rồi thì sao? Chiếc tàu ngầm đó đã lập một kỷ lục khó
tin, lặn một mạch hơn một năm nay không thấy nổi. Rõ ràng những phát minh đó
khi đưa vào thực tế lại là thứ không có giá trị sử dụng.
Một
phát minh bất hủ của Hai lúa - Nguồn: Internet
Phát minh của ông Phan Bội Trân hiện tại cũng là một phát minh có mục
tiêu và lý tưởng tốt, đó là chế tạo tàu ngầm để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Đó
luôn là đề tài thu hút sự chú ý của công chúng. Và ông Trân đã phát biểu trên
báo rằng tàu của ông nào là chế tạo bằng vật liệu composite, chạy 50 hải lý
(một tốc độ mà hiện nay khó tàu nào của các nước địch nổi) và có thể đánh chìm
tàu chiến của các nước bằng chiến thuật “bầy sói”…Nhưng xin thưa dư luận vẫn
bài cũ. Nhiều người vẫn bình luận và chỉ trích rằng Nhà nước đang nuôi các vụ
các viện, các giáo sư, tiến sỹ để làm gì…trong khi các cá nhân từ nông dân đến
kỹ sư đã và đang có những phát minh công hiến…Những phát biểu vẫn mơ hồ và ngây
thơ hết sức. Có chăng những phát biểu đang hết sức ảo tưởng của các nhà phát
minh đang bị báo giới đưa ra giật tít và dư luận dường như bị ảnh hưởng bởi
những luồng thông tin đó.
Xin nói thêm rằng, những phát minh lớn trên thế giới này chưa bao giờ ra
lò một cách dễ dãi như vậy. Các nhà phát minh lớn trên thế giới luôn là người
có đầu óc tưởng tượng vô biên, những giây phút phóng khoáng có thể đem lại cho
họ những ý tưởng lớn lao nhưng con đường đi đến thành quả của một phát minh ứng
dụng luôn là chông gai, miệt mài, mệt mỏi. Các kỹ sư của Sukhoi, Almaz-Antey,
Looker Martin, BAE system…để chế tạo được một loại vũ khí, tàu chiến có thể sử
dụng được phải mất hàng thập kỷ với kinh phí khủng, và phải cho ra đời nhiều mẫu
thử nghiệm, thông qua nhiều hạng mục kiểm tra và nghiệm thu mới đưa vào sử dụng
được. Vì vậy, một cá nhân để có thể sản xuất thành công một tàu ngầm có thể sử
dụng được mà không phải là đồ chơi thì đó là vấn đề lớn, cần phải lấy thành quả
để chứng minh. Ông Trân hay bất cứ ai đừng bao giờ khoe khoang, khoác lác, nên
rút kinh nghiệm từ những thất bại muối mặt của các nhà phát minh trước đây. Bởi
thành công đó là điều tốt cho đất nước và cho chính ông Trân, còn thất bại khi
ông đã lỡ phát ngôn gây sốc thì uy tín và danh dự của ông sẽ bị ảnh hưởng. Được
lợi nhất vấn là các báo lá cải đã phỏng vấn và giật tít mà thôi.
Dư luận vẫn luôn có những niềm tự hào trước những phát minh được tung hô
bởi lá cải, nhưng chỉ trong phút chốc trong ảo tưởng hơn là thực tế. Các nhà
phát minh chúng ta vẫn luôn thích khoe khoang gây sốc, báo lá cải vẫn luôn
thích giật tít và dư luận vẫn thi thoảng lên đồng tập thể, đi liền với nhiều kẻ
chỉ trích chế độ. Đó là vòng quay bất hủ trước những phát minh. Tốt hơn hết,
chúng ta hãy trấn tĩnh lại trước những phát minh, chờ nó mang lại những ứng
dụng thực tế hơn là tung hê quá đáng nó để rồi ngậm ngùi muối mặt.
Quốc
Thái