Trong tiến trình phát triển của một
quốc gia từ trước đến nay thì vấn đề giáo dục luôn được coi là quốc sách hàng đầu
và quan trọng nhất trong hệ thống các chính sách và vấn đề an sinh xã hội. Có
thể thấy như thế nên chúng ta dễ hiểu được rằng, thời gian qua ở nước ta khi nhắc
đến vấn đề giáo dục luôn nhận được sự quan tâm của cả nước cũng như các bậc phụ
huynh hàng ngày luôn tâm huyết với con trẻ của mình.
Song song trong vấn đề giáo dục ở
đất nước chúng ta hiện tại là việc hoàn thiện, bổ sung và chỉnh lí SGK theo từng
giai đoạn, từng thời kì để có cách nhìn và phản ánh phù hợp với điều kiện cũng
như thực tế lịch sử của đất nước ở từng giai đoạn và từng thời kì khác nhau. Với
những gì nền giáo dục nước nhà đã và đang thể hiện, với vấn đề này tác giả xin
có một vài ý kiến như sau:
Thứ nhất, chúng ta hiểu rằng đất
nước và dân tộc đã và đang ngày càng đi lên, cởi bỏ những cái “áo cũ” để thay
vào những cái “áo mới” để bộ mặt đất nước được tân tiến và văn minh như hiện
nay. Điều đó cũng tất yếu dẫn đến việc ngành giáo dục cũng cần có vai trò của
mình trong việc phản ánh tình hình, phản ánh được đúng tinh thần và thực tế của
đất nước qua hệ thống giáo trình, sách vở để đến với học sinh. Đó là điều hoàn
toàn hợp lí và cần thiết bởi thực tế bộ sách giáo khoa hiện tại đang được sử dụng
trong chương trình giảng dạy và học tập của học sinh đã lâu, với số liệu cũ và
còn một số vấn đề không còn phù hợp với xu hướng cũng như tình hình hiện tại, đặc
biệt là về kinh tế và xã hội.
Thứ hai, việc đề cập những vấn đề
trong sách giáo khoa khi được chỉnh lí và hoàn thiện mới theo bản thân tác giả
cần cho học sinh và người học về những vấn đề rõ ràng hơn, chân thực hơn.
Chẳng hạn như, trong mọi ngành, mọi
lĩnh vực chúng ta đã làm được gì, chưa làm được gì, chúng ta đã sản xuất được
gì, chưa sản xuất được cái gì, ngành gì là thế mạnh với tình hình đất nước
trong thời kì hội nhập. Từ đó có cách nhìn định hướng cho học sinh về vấn đề
nhìn nhận về thực tại và sâu xa hơn là vấn đề định hướng tương lai cho bản thân
của chính học sinh. Bởi thực tế, một tình trạng của đất nước ta trong vấn đề việc
làm hiện nay là “thợ thiếu, thầy thừa” ai cũng đổ xô đi học một ngành, một lĩnh
vực dẫn đến quá tải, dư thừa nguồn lao động, trong khi một số ngành khác lại
thiếu hụt nhân công và lao động. Vấn đề này cũng cần phải nói một phần do tinh
thần của sách giáo khoa trong hệ thống giáo dục chưa phản ánh hết làm cho học
sinh mờ đi cách nhìn nhận thực tế. Một phần nữa là sách giáo khoa hiện nay còn
mang nặng tính chung chung hơn là so với gì thực tế đã và đang diễn ra so với
thực tại của đời sống kinh tế xã hội đất nước.
Ảnh:
Đã đổi mới là phải khai sáng được tầm nhìn và tri thức (Nguồn: Internet)
Thứ ba, về vấn đề xin ý kiến biên
soạn, tác giả cho rằng việc Bộ GD-ĐT huy động giáo sư cả nước viết sách giáo
khoa là một định hướng đúng và cần thiết, nhưng việc lấy ý kiến từ người học và
người dạy mới chính là yếu tố quan trọng nhất.
Thực tế nhìn nhận ra cho chúng ta
thấy rằng, người dạy học và người học chính là những người “khai quật” tất cả mọi
góc cạnh cũng như nội dung của hệ thống SGK. Và một vấn đề được hàng triệu con
mắt và khối óc quan sát chắc chắn sẽ phản ánh tốt hơn hàng chục khối óc và đôi
mắt, do đó chỉ có người học và người dạy học mới phát hiện một cách tận tình và
rõ ràng nhất những bất cập trong hệ thống SGK đã và đang sử dụng. Vì vậy, việc
chỉnh sửa và sửa đổi tất yếu không thể không coi trọng việc lấy ý kiến của người
dạy và người học để hệ thống sách mới được chỉn chu và hoàn thiện đáp ứng mọi
yêu cầu.
Suy cho cùng, SGK ra đời cũng là
mục đích phục vụ người học và họ muốn gì, tìm hiểu thêm gì và có những khúc mắc
chỗ nào cần phải hiểu thêm thì công việc đó sẽ dành cho những phiên bản thế hệ
mới của SGK chứ phiên bản cũ không thể giải quyết. Đó chính là mục đích cho sự
đổi mới !
Thứ tư, Coi trọng yếu tố lịch sử
và nhân cách người học trong đợt sửa đổi bộ SGK mới.
Sự phức tạp của tình hình hiện tại,
cùng sự thờ ơ với thời cuộc của một bộ phận giới trẻ quốc gia hiện nay đang là
vấn đề ảnh hưởng tơi sự an nguy của quốc gia, chủ nghĩa yêu nước – chủ nghĩa
dân tộc là truyền thống của dân tộc cần được giữ gìn và phát huy qua từng thế hệ,
để lòng yêu nước được bồi dưỡng, để thế hệ trẻ có trách nhiệm hơn với Tổ quốc
và dân tộc.
Nhân cách và đạo đức người học cần
được coi trọng trong nội dung sách của người học cũng như nhắc nhở người dạy và
người học cần phải có nó để đất nước tiến lên một xã hội văn minh. Thực tế, thời
gian qua nền đạo đức học đường đang được báo động với nhũng hành vi bạo lực, nạn
vô kỉ luật, những hành vi bạo lực xã hội đang tiến triển theo chiều hướng xấu,
văn hóa – tình người đang bị bóp chết. Có thể nói đây là những vấn đề không hề
nằm ngoài vấn đề giáo dục, bởi ý thức
chính là vấn đề quyết định tới vấn đề này và giáo dục tất yếu phải giải
quyết và hạn chế nó. Một hình thức giảng dạy tiên tiến cộng với một nội dung
giáo dục theo một hệ thống cấp tiến và thực tế sẽ biến đổi và giải quyết vấn đề
này.
Dù bất kì trên phương diện Quốc
gia hay con người, nếu con đường phát triển nếu được ví như chiếc xe thì chính
giáo dục chính là con đường duy nhất để đưa cái xe ấy không ngừng vận động và
đi lên. Chúng ta hy vọng rằng, với đợt hoàn thiện để đổi mới bộ SGK lần này của
Bộ GD-ĐT thì một chiều hướng mới, với một tầng tầng lớp lớp con người mới sẽ
hoàn thiện mọi mặt để đáp ứng tình hình mới, phù hợp hơn và đất nước ngày càng
tốt đẹp hơn.
Hiểu Minh