Đã có
không ít ồn ào và bàn cãi xung quanh dự luật An ninh mạng mà Bộ Công an soạn
thảo và đệ trình, được Quốc hội đưa ra thảo luận chính thức vào sáng nay. Không
ít ý kiến nói rằng: Thông qua dự luật An ninh mạng thì Quốc hội sẽ biến VN trở
thành kẻ thù của các quốc gia tiến bộ. OSin Huy Đức đã có hẳn một bài phân tích
về việc này với những luận điểm khá thuyết phục về sự thua thiệt về mặt kinh tế
nếu dự thảo luật này được thông qua: "Theo tính toán của Trung tâm
nghiên cứu kinh tế Chính trị Châu Âu (ECIPE), “địa phương hoá dữ liệu” - một
biện pháp rất ít quốc gia áp dụng - sẽ khiến cho GDP của VN sụt giảm 1,7%; đầu
tư nước ngoài giảm 3,1 % (so với việc không yêu cầu mở văn phòng hay đặt máy
chủ tại VN như hiện nay).
Chính
phủ và các nhà làm luật cần tránh rơi vào cái bẫy tư duy thiển cận rằng, chi
phí thực thi chỉ do Google, Facebook hay Amazon … gánh chịu. Trong tình huống
phải làm vậy, gánh nặng chi phí tăng thêm sẽ bị phân bổ đến toàn bộ các doanh
nghiệp Việt Nam chứ không phải các doanh nghiệp trên gánh một mình. Các lập
luận cho rằng, các doanh nghiệp nêu trên “kinh doanh nhưng không đóng thuế,
không làm tăng GDP cho đất nước trong nhiều năm qua” – như tài liệu gửi cho các
đại biểu là những lập luận thiển cận.
Càng
nhiều người dân có thể tham gia mạng xã hội, trao đổi thông tin đầu tư, kinh
doanh, tiếp cận với thương mại điện tử của các doanh nghiệp công nghệ, sẽ tạo
ra ảnh hưởng lan toả, tác động tích cực đến kinh tế, đặc biệt là xuất nhập
khẩu".
Đồng
thời không quên nhắc lại cam kết của Việt Nam khi tham gia
CPTTP: "Khi thương thảo lại để ký CPTPP thay thế TPP, Việt Nam đã
đồng ý từ cấp tối cao, không buộc các công ty cung cấp dịch vụ internet đặt máy
chủ, lưu trữ dữ liệu tại VN. Dự luật này lách bằng cách đòi “lưu trữ tại VN các
dữ liệu cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại VN”(google, Facebook… vẫn đang có
máy chủ đặt tại VN nhưng đó là lựa chọn của họ thay vì bắt buộc).
Có
cách nào để không đặt máy chủ mà lưu trữ được dữ liệu tại VN? Đòi hỏi này nếu
Quốc hội bị qua mặt và thông qua sẽ trở thành vấn đề danh dự của một quốc gia
trước những điều mình cam kết chứ không còn là những “mẹo vặt” ở tầm “trinh
thám An Nam” nữa".
Chủ nhiệm Ủy ban
Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu,
chỉnh lý dự án Luật An ninh mạng tại Quốc hội (Nguồn: Quốc hội)
Tuy
nhiên, những lí lẽ đưa ra đã bị hạ màn khi Osin Huy Đức viết rằng: "Phải
thừa nhận rằng, không phải là không có những tội phạm sử dụng internet để thực
hiện các hành vi phạm tội. Nhưng, không ai đe doạ sự tồn vong của chế độ bằng
chính những tên tham nhũng đang nắm quyền trong chế độ. Chưa chắc những “Quan
Làm Báo”, “Chân Dung Quyền Lực…” là do “các thế lực thù địch” với chế độ vận
hành". Như vậy hóa ra, những điều được chỉ ra ở trên là vô
nghĩa lý, bởi với Osin Huy Đức lí do để Quốc hội VN không hoặc chưa nên thông
qua dự luật An ninh mạng đơn thuần bởi điều đó chưa đến mức đe dọa tồn vong của
chế độ. Nhưng xin nói luôn, mục đích cao nhất của soạn thảo và đệ trình dự luật
này đâu chỉ có để bảo vệ an ninh quốc gia hay bảo vệ sự vững mạnh của chế độ
được nói đến mà còn bởi:
"Thực
tiễn cho thấy, trong những năm gần đây đã xuất hiện ngày càng nhiều hoạt động
vi phạm pháp luật trên không gian mạng, gây bức xúc trong xã hội. Đó là các
hoạt động lợi dụng không gian mạng để hoạt động xâm phạm ANQG và TTATXH như
tuyên truyền chống phá nhà nước, kích động biểu tình, bạo loạn, phá rối ANTT,
hoạt động gián điệp, đánh cắp bí mật nhà nước…
Hay
gần đây nổi lên các hoạt động lừa đảo, trộm cắp, cờ bạc, cá độ, mại dâm qua
mạng. Cao hơn là tấn công mạng, chiếm quyền điều khiển, khủng bố mạng và chiến
tranh mạng. Đã xảy ra nhiều vụ để lại hậu quả hết sức nặng nề (theo báo Công an
nhân dân).
Nghĩa
là dự thảo được thông qua thì cơ quan hữu trách được giao quyền sẽ bảo vệ, bảo
đảm quyền lợi chính đáng hợp pháp của người dùng mạng xã hội; sẽ ngăn chặn được
những hành vi biến tướng, lợi dụng mạng xã hội vi phạm pháp luật.
Về lí
do khiến Quốc hội nên thông qua dự luật An ninh mạng thì như Đại biểu Quốc hội
Bùi Mậu Quân khẳng định sáng nay được báo công an nhân dân ghi lại: "Những
vấn đề này là một thực trạng hết sức bức xúc, nhức nhối và đang diễn ra nhưng
việc xử lý còn bị động, lúng túng, kém hiệu quả vì hệ thống pháp luật của ta
chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý; nhất là chưa có hành lang pháp lý để ngăn
chặn, đấu tranh hiệu quả những hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, TTATXH, quyền
và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trên không gian mạng.
ĐBQH
Bùi Mậu Quân lấy ví dụ về vụ tin tặc tấn công chiếm quyền điều khiển của hệ
thống máy chủ hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnamairlines), thay đổi nội
dung và đưa ra các thông báo trên hệ thống màn hình hiển thị của Cảng hàng
không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất ngày 29-7-2016. Hậu quả đã làm chậm gần
100 chuyến bay, hệ thống gần 100 máy chủ bị phá hoại, không thể truy cập…
“Chúng
ta thử hình dung xem nếu hệ thống mạng máy chủ của các hãng hàng không quốc
gia, hệ thống tài chính, ngân hàng, các cổng thông tin điện tử của Đảng, Chính
phủ bị tấn công, chiếm quyền điều khiển hoặc bị phá hoại thì hậu quả sẽ như thế
nào? Vì vậy, việc ban hành Luật An ninh mạng nhằm quy định các hoạt động bảo vệ
an ninh quốc gia, TTATXH trên không gian mạng là hết sức cần thiết, phù hợp và
đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn” – ĐBQH tỉnh Hải Dương nói.
Đồng
tình với quan điểm này, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) khẳng định ANQG là vấn
đề vô cùng quan trọng, được quy định tại Điều 11 của Hiến pháp, bảo vệ ANQG là
trách nhiệm rất cao cả, tinh thần đó không chỉ tồn tại ở luật này mà còn tồn
tại ở các luật khác, như Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật Hình sự…
“Mục
đích chính của luật này nhằm chống tội phạm xâm phạm ANQG, chống sử dụng hạ
tầng không gian mạng và các thao tác khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ
cao để chống phá, xâm phạm chủ quyền ANQG. Luật An ninh mạng được ban hành nhằm
lấp khoảng trống mà Luật ANTTM chưa khắc phục được”, đại biểu nhận định" (Theo báo
Công an nhân dân).
Nói
như thế để thấy, hãy đừng đề cao và tuyệt đối hóa mục đích ban hành, đệ trình
dự thảo luật an ninh mạng của Bộ công an là nhằm đảm bảo ANQG hay bảo vệ chế độ
gì đó. Mà ngoài ra nó còn có nhiều lí do khác. Và xin nói thêm rằng, trong vấn
đề này chúng ta hãy bỏ đi cái lối so sánh, nước khác không làm, không thực hiện
thì mình không nên làm. Vì như thế sẽ vô tình đánh đồng điều kiện, đặc điểm của
chính nước ta với các nước khác. Mà trên thực tế thì điều đó gần như rất ít có
đặc điểm tương đồng.
Một
dự thảo luật nếu được thông qua mà có nhiều lỗi thì Quốc hội sẽ xem xét nó
trong một thời gian sau đó, không cố định và bắt buộc bao nhiêu năm. Do đó, nên
chăng ngay lúc này chúng ta nên chỉ căn cứ vào chuyện được - mất nếu dự luật
được thông qua và ngược lại để quyết định sáng suốt nhất. Nó không nhất thiết
phải so sánh, đối chiếu và tham chiếu với bên ngoài. Bởi bản thân sự so sánh
vốn chỉ mang tính tham khảo trong triển khai các quốc sách ở từng quốc
gia.
PHƯƠNG NAM