SÓNG BIỂN
Hơn 10 năm qua, Việt Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm
quý báu trong công tác đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế lớn. Thành công đó
được minh chứng qua những kết quả đạt được và sự ghi nhận, đánh giá cao từ bạn
bè quốc tế. Chúng ta có thể điểm lại một số sự kiện, hội nghị quốc tế được tổ
chức ở Việt Nam trong thời gian qua để thấy được Việt Nam đang ở đâu trong con
mắt bạn bè quốc tế. Có thể kể đến một số hội nghị như:
- Đại hội đồng Liên minh
nghị viện thế giới (IPU-132) năm 2015
Sau khi Đại hội đồng Liên
minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) khép lại thành công tại Việt Nam,
đồng loạt các báo chí, trang mạng các nước trên thế giới vẫn tiếp tục có nhiều
tin, bài về IPU -132 với phần lớn là những bài viết ca ngợi công tác tổ chức
của nước chủ nhà.
Cụ thể, tờ The Diplomatic
Society của Nam Phi ngày 9-4-2015 đăng tải bài viết về sự thành công tốt đẹp
của Hội nghị cũng như sự hài lòng của các đại biểu tham dự và nhấn mạnh, sự
thành công đó không chỉ đến từ sự chuẩn bị của chính quyền và người dân Hà Nội
mà còn đến từ tinh thần và mục đích xuyên suốt của Đại hội đồng. Đó là sự tôn
trọng nhân quyền gắn với chủ quyền quốc gia, gắn với quyền tự do dân chủ. IPU
cũng thể hiện sự tôn trọng luật pháp quốc tế và kêu gọi các thành viên của tổ
chức cũng làm như vậy bởi vì luật pháp quốc tế là trọng tài giải quyết các mối
quan hệ bất hòa giữa các quốc gia với nhau ở khu vực hoặc trên toàn cầu.
Đại biểu các nước tham dự
IPU-132 đánh giá cao công tác tổ chức của Việt Nam, nhất là trong việc hỗ trợ,
cung cấp đầy đủ thông tin cho các nghị sỹ và truyền tải các thông điệp đến nhân
dân thế giới.
- Diễn đàn APEC 2017
Từ Tổng thống Mỹ Donald
Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Cộng hòa Chile Michelle
Bachelet Jeria, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long… cùng nhiều nhà lãnh đạo các
nước thành viên khác cũng đồng loạt đánh giá rất cao công tác tổ chức của Việt
Nam.
"Việt Nam đã làm tất
cả để hội nghị diễn ra một cách hiệu quả và thành công. Hội nghị đã dành nhiều
sự chú ý vào các vấn đề kinh tế. Các vấn đề được thảo luận cũng rất thực tế và
được các nền kinh tế thành viên quan tâm”, Tổng thống Vladimir Putin nhận xét.
Về phần mình, Tổng thống
Chile Michelle Bachelet Jeria nói, Việt Nam luôn cho thấy khả năng tổ chức
tuyệt vời không chỉ về cơ sở hạ tầng mà còn cả về chất lượng các chương trình
và chất lượng đại biểu. Phải nhấn mạnh thêm rằng, thời điểm đó, mặc dù đang nỗ
lực khắc phục hậu quả của siêu bão Damrey, nhưng Việt Nam cũng đã chuẩn bị rất
chu đáo trong việc đón tiếp khách mời và chuẩn bị cho các hoạt động trong khuôn
khổ Tuần lễ cấp cao APEC.
Đây là những thành công
lớn, cho thấy sự quan tâm đến Hội nghị và khả năng tổ chức của nước chủ nhà,
góp phần đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương trong bối cảnh hội nhập quốc
tế sâu rộng.
- Hội nghị GMS-6 và CLV-10
Tiếp nối thành công của
Hội nghị APEC 2017, việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị hợp tác tiểu vùng
Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS-6) Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác Phát
triển Việt Nam – Lào - Campuchia lần thứ 10 (CLV-10) tiếp tục khẳng định vị thế
ngày càng cao của đất nước, đồng thời thể hiện vai trò và đóng góp tích cực của
Việt Nam đối với các cơ chế hợp tác liên kết khu vực. Đây là một trong những sự
kiện đa phương lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2018 có sự tham gia
của hơn 2.000 đại biểu, 200 tập đoàn, doanh nghiệp và gần 300 phóng viên các cơ
quan báo chí.
Nhờ những kinh nghiệm sẵn
có, Việt Nam đã sớm xây dựng và chuẩn bị chu đáo các phương án tổ chức, lễ tân,
báo chí, hậu cần, an ninh, y tế và các phương án dự phòng khác, đảm bảo các
hoạt động diễn ra thông suốt, trang trọng, an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn theo
thông lệ các Hội nghị thượng đỉnh GMS và Hội nghị cấp cao CLV và trên cơ sở
hiệu quả, tiết kiệm tối đa.
Bên cạnh đó, nhiều phiên
thảo luận chuyên đề tại hội nghị đã thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên
gia, học giả, các tổ chức tài chính và doanh nhân trong khu vực.
- Hội nghị Diễn đàn Kinh tế
thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018)
Được xác định là sự kiện
ngoại giao quan trọng nhất trong năm 2018, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới
về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) được tổ chức tại Việt Nam đã đạt được những kết
quả quan trọng. Các tiểu ban đã hoạt động, phối hợp nhịp nhàng, trách nhiệm,
quyết liệt và sáng tạo. Mặc dù có những phương án thay đổi phút chót về công
tác lễ tân, văn nghệ chào mừng, nhưng các bộ phận đã nêu cao tinh thần đoàn
kết, trách nhiệm để hướng tới giải quyết nhanh chóng và hiệu quả các trường hợp
đột xuất.
Với những nỗ lực đó, WEF
ASEAN 2018 đã thành công tốt đẹp trên mọi phương diện từ chủ đề, nội dung,
tuyên truyền - văn hóa đến lễ tân, hậu cầu, an ninh và y tế, cả về đa phương và
song phương, góp phần quan trọng khẳng định và nâng cao hơn nữa vai trò, vị thế
và uy tín của Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của khu vực và
thế giới.
Nhà sáng lập kiêm Chủ
tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) - ông Klaus Schwab cho hay, Hội nghị WEF
ASEAN 2018 do Việt Nam đăng cai là hội nghị thành công nhất trong 27 năm WEF tổ
chức hội nghị tại khu vực. Việc vận dụng và phát huy tốt kinh nghiệm từ tổ chức
các hội nghị đa phương lớn tại Việt Nam trong thời gian qua như Năm APEC 2017,
Hội nghị thượng đỉnh GMS 6 và CLV 10… là một trong những yếu tố quyết định
thành công của Hội nghị WEF ASEAN 2018.
- Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều 2019
Việc cả Mỹ và Triều Tiên đều đề nghị Việt Nam đứng ra làm nước
chủ nhà tổ chức Hội nghị thể hiện sự coi trọng của hai nước đối với quan hệ với
Việt Nam, sự ghi nhận vị thế quốc tế, kinh nghiệm và khả năng bảo đảm an ninh
cho sự kiện quốc tế lớn, nhất là nhìn nhận về những thành tựu phát triển của Việt
Nam trong nhiều lĩnh vực khác.
Dư luận quốc tế đã đánh giá Việt Nam là nước thành công nhất,
được lợi nhiều nhất từ sự kiện này. Đây là thắng lợi của nền ngoại giao Việt
Nam, giúp củng cố vị thế và vai trò mới trong khu vực, có ý nghĩa lớn về mặt
chính trị và chiến lược khi thể hiện được hình ảnh đẹp của một quốc gia đang
phát triển ngày càng thịnh vượng, mở cửa, mến khách, sẵn sàng làm trung gian
hòa giải, đóng góp cho hòa bình thế giới.
- Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng
phó với dịch bệnh COVID-19
Trong bối cảnh COVID-19 đang lan rộng khắp thế giới, Hội nghị
ASEAN +3 vừa diễn ra là sự kiện được tổ chức rất kịp thời và có ý nghĩa to
lớn. Đây là một hội nghị quan trọng được tổ chức ở Đông Á sau Hội nghị thượng
đỉnh G20 để cùng nhau đối phó với dịch bệnh, phản ánh quyết tâm, ý chí của các
nước Đông Á trong việc cùng nhau chống lại dịch COVID-19 và duy trì sự phát
triển kinh tế xã hội trong khu vực.
Với tư cách là nước Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã đóng một
vai trò quan trọng trong việc khởi xướng, tổ chức cũng như thúc đẩy Hội nghị
đặc biệt của các nhà lãnh đạo Đông Á lần này đạt được kết quả tích cực. Cộng
đồng quốc tế đều đánh giá cao điều này.
- Đại Hội đồng AIPA 41
Đại hội đồng AIPA 41 đã diễn ra thành công rất tốt đẹp; các
chủ đề được thảo luận, quyết định tại Đại hội đồng là rất phù hợp. Đây là một
kỳ họp AIPA đặc biệt, do tình hình đại dịch COVID -19 diễn biến phức tạp nên
lần đầu tiên trong lịch sử 43 năm của AIPA, Đại hội đồng AIPA được tổ chức theo
hình thức trực tuyến.
Trong tất cả các phát biểu tại các Phiên
họp, Lãnh đạo nghị viện và đại diện các nghị viện thành viên AIPA, Quan sát
viên và khách mời đều ghi nhận, đánh giá cao và cảm ơn sự chuẩn bị chu đáo của
Quốc hội nước chủ nhà Việt Nam đã làm nên thành công của Đại hội đồng AIPA 41.
Như vậy có thể thấy rằng dưới sự lãnh đạo
của Đảng Cộng sản Việt Nam thì đất nước Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều
bước tiến quan trọng cả về kinh tế, chính trị và ngoại giao cho thấy được vị trí,
vai trò của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề của khu vực, thế giới cũng như
cho thấy được lòng tin của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam.