TÂM BÌNH
Thời gian vừa qua trong quá trình điều tra, mở rộng vụ án “Trương Châu Hữu Danh cùng đồng bọn lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, xảy ra tại TP Cần Thơ và một số tỉnh, thành”, Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP Cần Thơ đã bắt, khởi tố bị can nhiều đối tượng trong nhóm "Báo sạch".
Đối tượng Trương Châu Hữu Danh (bên trái) cùng thanh viên nhóm "Báo sạch", ảnh internet
Cụ thể, vào ngày 20/4/2021, Cơ quan An ninh điều tra đã tiến hành khởi tố, bắt tạm giam 03 bị can, gồm: Nguyễn Thanh Nhã (SN 1980, cư trú tại căn hộ 3.01 chung cư Flora Anh Đào, phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh); Đoàn Kiên Giang (SN 1985, cư trú tại căn hộ 5.04 tầng 6 chung cư 241/1/25C, Phường 11, quận 6, TP Hồ Chí Minh); Nguyễn Phước Trung Bảo (SN 1982, cư trú tại 172 Hà Huy Giáp, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để điều tra về hành vi Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Đến ngày 6/7/2021,Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP. Cần Thơ đã tiếp tục khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Lê Thế Thắng (39 tuổi, ngụ quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) để điều tra về cùng tội danh trên.
Tất cả các đối tượng trên đều là thành viên của nhóm "Báo sạch", là “nhà báo” nhưng không giữ được phẩm chất của một nhà báo. Vào năm 2019, 5 đối tượng trên đã cùng nhau thành lập và khởi tạo trang Fanpage “Báo sạch” trên mạng xã hội Facebook. Trong một thời gian ngắn, các đối tượng này đã lợi dụng danh nghĩa nhà báo để viết, đăng tải trên Fanpage “Báo sạch” và Group “Làm báo sạch” nhiều bài viết sai sự thật, thiếu kiểu chứng, và mang tính chất suy diễn liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải, tranh chấp đất tại Đồng Tâm, hạn mặn miền Tây, bài viết về trường Tôn Đức Thắng, vấn đề về cấm xuất khẩu trong đợt dịch COVID-19, cưỡng chế tại Gia Trang Quán (TP.HCM)…để đánh bóng tên tuổi.
Sau khi gây xôn xao dự luận nhờ việc xuyên tạc, viết sai lệch sự thật nhiều vụ việc trên trang Fanpage “Báo sạch”, nhóm đối tượng này đã lợi dụng danh nghĩa “nhà báo” cũng như sự quan tâm của cư dân mạng xã hội tiến hành nhận tiền để làm truyền thông, quảng bá thương hiệu và tư vấn pháp luật cho 8 doanh nghiệp, cá nhân ở nhiều nơi với số tiền hơn 2,8 tỷ đồng…
Các bài viết sai sự thật của các bị can, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích chính đáng của Nhà nước nói chung, chính quyền các địa phương nói riêng; ảnh hưởng đến uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức Đảng; ảnh hưởng đến uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gây hoang mang, nghi ngờ, làm mất ổn định về lòng tin trong nhân dân.
Việc cơ quan chức năng kịp thời bắt, xử lý các đối tượng mượn danh nghĩa “nhà báo” lợi dụng mạng xã hội để xuyên tạc, chống phá, trục lợi là việc làm hết sức cần thiết. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho một bộ phận nhà báo không chịu tu dưỡng, rèn giũa bản thân, ham danh, hám lợi. Đồng thời, đây cũng là lời nhắc nhở cho nhiều người dân, doanh nghiệp nên tỉnh táo trước các thông tin, luận điệu trên mạng xã hội để tránh bị lừa gạt.