Ảnh: Bài viết với tư tưởng “tôi là kẻ đại diện” tại một diễn đàn trên mạng (nguồn Internet)
Theo số liệu báo cáo mới nhất của WeAreSocial và Hootsuite đã công bố báo cáo toàn cảnh ngành Digital trong năm 2021. Tính đến tháng 1/2021, dân số Việt Nam đạt mốc 97.8 triệu dân trong đó có khoảng hơn 72 triệu người (chiếm 73.7% dân số) sử dụng mạng xã hội thông qua các nền tảng, ứng dụng khác nhau. Như vậy, cộng đồng mạng trở thành một cộng đồng rộng lớn chiếm tỉ lệ lớn trong số người dân. Với những tiện ích ưu việt của mạng xã hội, người dân Việt Nam có khả năng tiếp cận và truyền tải thông tin nhanh chóng. Có thể nói cộng đồng mạng Việt Nam là xã hội Việt Nam thu nhỏ, có khả năng tác động ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại của nhiều người. Tuy nhiên, cũng như trong xã hội có người tốt, kẻ xấu trên cộng đồng mạng không thiếu những “kẻ xấu” với những âm mưu, ý đồ hết sức thâm độc.
Tuy nhiên, ngay trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp cả trong và ngoài nước, có một số người do thiếu hiểu biết hoặc cố tình đăng tải, chia sẻ những thông tin sai lệch gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến công tác phòng chống dịch bệnh. Buồn cười thay, chúng lại tự phong cho mình là “đại diện” có thể thay mặt cộng đồng mạng. Buồn cười hơn là nhóm nhỏ này tự coi mình là đối trọng của truyền thông Nhà nước. Chúng đâu biết rằng người dùng mạng xã hội thông minh có rất nhiều kênh để có thể kiểm chứng thông tin mà chúng đưa ra nên chúng phát biểu không có nghĩa là cộng đồng mạng phát biểu. Điều mà chúng tuyên truyền không phải cư dân mạng cũng đồng tình. Mạng xã hội là nơi để các cá nhân có thể chia sẻ các thông tin quan điểm của bản thân nhưng không phải là nơi để xuyên tạc, bôi nhọ, nói xấu. Chính bởi vậy, Ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Quyết định số 874/QĐBTTTT về việc ban hành “Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội”. Bộ Quy tắc này gồm 3 chương, 9 điều, có hiệu lực từ ngày 17/6/2021. “Thể chế mềm” này điều chỉnh mọi hành vi, ứng xử trên mạng xã hội của người dùng mạng xã hội tại Việt Nam, hướng đến mục đích cuối cùng là xây dựng mạng xã hội Việt Nam lành mạnh, tích cực; đồng thời là “áo giáp” đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội…
Vậy đó, những kẻ trước nay hay coi mình là đại diện cho cộng đồng mạng chưa bao giờ có thể đại diện cho toàn bộ cộng đồng mạng. Chúng chỉ là những nhóm nhỏ mà nếu không tuân thủ chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên mạng xã hội thì sớm muộn cũng bị đào thải mà thôi.
Thiên Bình