Ảnh: HRW vẫn tiếp diễn những hoạt động bôi đen nhắm vào Việt Nam (nguồn Internet)
Tổ chức theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch-HRW) là một tổ chức tự nhận là hoạt động vì nhân quyền trên phạm vi quốc tế. Tuy nhiên, tổ chức này không phải đại diện của một quốc gia hay Liên Hợp quốc trên lĩnh vực nhân quyền mà chỉ là một tổ chức phi chính phủ được thành lập năm 1978 dưới tên Helsinki Watch để giám sát Liên Xô, thu thập tư liệu về việc Liên Xô thực hiện các quy ước của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).
Từ khi thành lập đến nay, tổ chức này đã mang nhiều điều tiếng bởi mục đích nó được thành lập và cái cách nó hoạt động nên những phát biểu, bài viết của nó đều không được quan tâm nhiều. Đồng thời, tổ chức phi chính phủ này bị chỉ trích bởi sự phân biệt đối xử khi luôn nhằm vào các nước lựa chọn đường hướng phát triển riêng, không phụ thuộc vào sự chi phối của Mỹ và phương Tây... Mà có một sự thực như chính HRW từng thừa nhận là nguồn tài trợ của họ có 75% mức đóng góp đến từ Bắc Mỹ, 25% đến từ Tây Âu và ít hơn 1% từ các nơi khác. Đặc biệt, nhiều thông tin đã chỉ ra rằng HRW ít nghiên cứu thông tin trước khi viết báo cáo nên hầu như những thông tin do HRW cung cấp thường thiếu chính xác, toàn diện. Thậm chí, HRW còn bị chỉ trích vì báo cáo sai sự thật và thiên vị và phân biệt đối xử, đi ngược lại hoàn toàn so với tôn chỉ hoạt động của mình và là điển hình cho việc “nói một đằng, làm một nẻo”.
Thời gian qua, trên không gian mạng và một số diễn đàn về dân chủ, nhân quyền trên thế giới, HRW đã nhiều lần đưa ra những thông tin thiếu khách quan, sai lệch về Việt Nam; cổ súy cho những đối tượng chống đối cũng như các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam. Không dừng lại ở đó, HRW thường hay nhảy ra chỉ trỏ như việc yêu cầu nước này, nước kia (như Mỹ, Australia, các nước thuộc khối EU…) phải gây sức ép cho Việt Nam về cái mà HRW gọi là “vấn đề nhân quyền” và cho rằng chỉ có như thế các nước đó mới được coi là dân chủ, tiến bộ. Tuy nhiên, đáng buồn thay cho HRW, các nước cũng đã quá ngán ngẩn trước những đòi hỏi vô lý và đã nhẵm mặt với bản chất của HRW nên hầu như những kêu gọi phản ứng về “vấn đề nhân quyền” Việt Nam của tổ chức trên bị bỏ bơ không một lời hồi đáp.
Vậy đó, khi mà một tổ chức với tôn chỉ hoạt động vì nhân quyền nhưng lại thường xuyên bao che, dung túng cho những kẻ lợi dụng quyền tự do ngôn luận, báo chí, sử dụng mạng xã hội vi phạm an ninh quốc gia, trật tự xã hội, cổ súy tuyên truyền chống phá đất nước; cố tình thông tin lập lờ, đánh giá sai lệch hoàn toàn về tình hình nhân quyền; can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia, vi phạm các quy chuẩn quốc tế… thì sẽ chẳng bao giờ có tiếng nói về nhân quyền trong cộng đồng thế giới./.
Thiên Bình