Ảnh: Những kẻ mạo danh nhà báo đang làm xấu đi hình ảnh của những nhà báo chân chính (nguồn Internet)
Đối với người dân Việt Nam, cụm từ “nhà báo” hay “ký giả” gắn với một công việc hết sức có ý nghĩa và đem lại lợi ích cho đời. Theo khoản 1, điều 25, mục 4 của Luật báo chí năm 2016 thì Nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo. Họ là người làm công tác báo chí chuyên nghiệp như: phóng viên (viết hoặc ảnh), biên tập viên, thư ký tòa soạn, Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập, các trưởng ban nghiệp vụ báo chí… Nhằm đảm bảo tính khách quan của báo chí, mọi tin bài được sản xuất đều phải qua biên tập và kiểm duyệt kĩ lưỡng, phương châm đưa tin của nhà báo là “Kịp thời, chính xác".
Các nước trên thế giới cũng có những quy định hết sức chặt chẽ đối với người hành nghề nhà báo bởi tính đặc thù của nghề nghiệp này đối với xã hội. Điển hình là Mỹ, theo 10 Ðiều bổ sung đầu tiên của Hiến pháp Hoa Kỳ, có hiệu lực từ năm 1791, thì Quốc hội Mỹ không được phép ban hành bất cứ văn bản nào hạn chế tự do ngôn luận và báo chí. Nhưng theo một Ðạo luật của năm 1798 thì sẽ là tội phạm nếu viết, in, phát biểu và phổ biến những văn bản sai sự thật, cố ý xúc phạm hay chống lại chính quyền. Ðể truy cứu trách nhiệm hình sự vì vi phạm lĩnh vực này, Ðiều 2385 Chương 115 Bộ luật Hình sự Mỹ ghi rõ: Nghiêm cấm mọi hành vi in ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ tài liệu viết hoặc in nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm, sự cần thiết tham vọng, tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt bất kỳ chính quyền cấp nào tại Mỹ bằng vũ lực hay bạo lực.
Tuy nhiên, một số tổ chức cá nhân thời gian qua đã lạm dụng từ “nhà báo” và sử dụng từ này như một công cụ để công kích chính quyền các nước. Một trong những cá nhân, tổ chức nổi bật của việc lạm dụng từ “nhà báo” là Ủy Ban Bảo vệ Ký giả (Committee to Protect Journalists- CPJ), một tổ chức phi chính phủ Thành lập năm 1981có trụ sở ở New York, Mỹ. Nhưng quá trình CPJ hoạt động, dư luận quốc tế liên tiếp cáo buộc CPJ đã bị lũng đoạn nhằm phục vụ mưu đồ chính trị riêng. Đặc biệt, với những nước có chế độ chính trị khác biệt với Mỹ như Việt Nam, CPJ luôn đưa ra những nhận định thiếu khách quan, xuyên tạc về tình hình tự do báo chí, đặc biệt là hoạt động quản lý Internet, blog ở Việt Nam.
Một trong những thủ đoạn xuyên tạc phổ biến của CPJ để vu cáo Việt Nam là gắn cho những kẻ phạm tội, đặc biệt là những kẻ lợi dụng quyền tự do ngôn luận để chống phá cái mác mỹ miều là “nhà báo tự do”, “nhà báo độc lập” mà gần đây là “nhà báo độc lập Lê Trọng Hùng”, một kẻ không có liên quan gì đến cái gọi là “nhà báo” hay “ký giả” có chăng là kể chuyên đăng tải những bài viết, tin tức xuyên tạc trên mạng xã hội. Nếu một kẻ như thế mà được gọi là nhà báo thì cái định nghĩa về nhà báo của CPJ quá rẻ rúng và bôi nhọ hai từ “nhà báo”. CPJ đã cố ý lờ đi những giá trị được coi là phổ quát trên toàn thế giới về đạo đức của nghề báo chí đó là phải khách quan, trung thực, kịp thời, chính xác. Một tổ chức bảo vệ quyền lợi liên quan đến báo chí nhưng lại vi phạm giá trị đạo đức của báo chí là khách quan, trung thực, kịp thời, chính xác thì có thể thấy CPJ đã xa rời so với tôn chỉ thành lập ban đầu và bị lợi dụng vào mục đích chính trị. Một tổ chức như vậy thì tiếng nói và phát ngôn hoàn toàn vô nghĩa./.
Thiên Bình