PHƯƠNG NAM
Trong một diễn
biến mới nhất, trước những khó khăn mà nền nông nghiệp Việt Nam đang gặp phải
do: “Ngày 7.3, giá phân bón trong nước đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến
nay do nguồn cung khan hiếm. Các đại lý phân bón trong nước cũng hạn chế bán
hàng ra mặc dù nhu cầu hỏi mua tăng cao. Diễn biến này xuất phát từ chiến sự ở
Ukraine và giá xăng dầu thế giới tăng cao”. Viết trên facebook cá nhân, linh mục
Nguyễn Văn Toản, DCCT Thái Hà, Hà Nội đặt ngay vấn đề: “VIỆT NAM LÀ NƯỚC NÔNG
NGHIỆP NHƯNG KHÔNG CHỦ ĐỘNG ĐƯỢC NHỮNG ĐIỀU THIẾT YẾU NHẤT DÀNH CHO NÔNG NGHIỆP”.
Lm DCCT Thái Hà Nguyễn Văn Toản
nêu vấn đề khi giá phân bón tăng cao (Nguồn: Ảnh chụp màn hình)
Mặc dù vị
linh mục DCCT Thái Hà này chưa có bất cứ bình luận thêm nào sau đó nhưng đủ để
thấy một sự bi quan nhất định đối với tương lai nền nông nghiệp Việt Nam hiện
nay; đồng thời ở một khía cạnh nào đó, những người như linh mục Nguyễn Văn Toản
đang bày tỏ sự thất vọng đối với cái điều đang diễn ra đó.
Song theo dõi
và xem xét sự việc dưới góc nhìn đa chiều hơn sẽ thấy: Vấn đề không đến nỗi trầm
trọng và khó khăn không đến độ không có lối thoát như suy nghĩ của linh mục
này.
Nông nghiệp
là thế mạnh của Việt Nam và đây là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Đây
cũng là nhân tố để đảm bảo đời sống dân sinh cho người dân cũng như vấn đề an
ninh lương thực, phục vụ cho việc đối phó với thiên tai, dịch bệnh và kể cả chiến
tranh (nếu xảy ra). Phân bón cũng là
một trong những nhu yếu phẩm, nguồn đầu vào quan trọng của bất cứ nền nông nghiệp
theo phương thức “nhất nước, nhì phân…”. Tuy vậy, nét đặc trưng riêng có của nền
nông nghiệp Việt Nam từ bao đời nay (kể cả khi khoa học kỹ thuật đã len lỏi vào
từng khâu trong kỹ thuật canh tác) là khả năng tự cung, tự cấp rất cao, trong
đó có vấn đề phân bón. Điều này hoàn toàn dễ nhận biết, bởi ngoài nguồn phân
bón nhập khẩu thì nông dân Việt Nam sử dụng rất nhiều các loại phân bón tự tạo
khác.
Chính vì thế,
đồng ý việc phân bón tăng cao sẽ tác động vô cùng lớn đối với nền nông nghiệp,
nhất là khả năng, điều kiện canh tác. Nhưng khách quan mà nói thì tình hình
không đến nỗi bi quan như vị linh mục này và nhiều người khác vẫn nghĩ.
Mặt khác, nếu
đọc kỹ bài báo trên báo Thanh niên phản ánh về điều này sẽ thấy: Lí do chính,
căn bản khiến giá phân bón thế giới tăng cao, ảnh hưởng đến nguồn cung phân bón
trong nước xuất phát từ chiến sự ở Ukraine và giá xăng dầu thế giới tăng cao.
Và nếu ai đó chăm chỉ theo dõi tình hình chiến sự ở Ukraine thì sẽ hiểu rằng,
điều đó sẽ không thể kéo dài, nhất là khi chiến dịch Quân sự của Nga đã cơ bản
thành công. Việc tình trạng này sớm được hóa giải cũng đồng nghĩa những khó
khăn mang tính nhất thời đó cũng sẽ được xử lý sớm.
Cũng cần thấy
và biết rằng, thế giới hiện đại đã đẩy nền chuyên môn hóa lên đến độ cao nhất.
Bất cứ quốc gia nào chỉ có thể đảm bảo được một phần hoặc một khâu nào đó trong
quy trình sản xuất và phải dựa trên chính năng lực, nguồn lực hiện có. Cho nên,
đừng bắt Việt Nam phải chủ động được nguồn lực phân bón cho nền nông nghiệp khi
mà điều này trong một thời gian dài đã được nhiều quốc gia có thế mạnh đảm bảo,
cung ứng.
Đó là chưa
nói, Việt Nam có chủ động được không khi đó là vấn đề mà thế giới đã đi trước…
Tất cả đủ để
thấy rằng, hãy đừng yêu cầu Nhà nước làm cái điều đi ngược lại xu hướng của thế
giới và hãy chấp nhận thực tế xu hướng toàn cầu hóa bắt buộc ai trong đó cũng
phải tham gia vào guồng quay của nhân loại. Việc bị ảnh hưởng bởi khó khăn là
điều dễ thấy, hết sức bình thường chứ không nên lấy đó để đong đo giá trị của
nhà nước!