PHƯƠNG NAM
“Hôm 17 tháng Sáu 2022
bà Ngụy Thị Khanh, một nhà hoạt động môi trường nổi tiếng thế giới bị một toà
án ở Hà Nội tuyên án 24 tháng tù với tội danh trốn thuế sau khoảng bốn tháng bị
giam giữ để điều tra. Lập tức, các nhà vận động về môi trường quốc tế đều lên
tiếng phản đối án tù dành cho bà Khanh”.
Ngọc Thu/Việt Tân đã
cho biết như thế xung quanh việc Tòa án nhân dân Tp Hà Nội tuyên án 24 tháng tù
giam đối với bà Ngụy Thị Khanh ((sinh năm 1976, trú tại số 41 Hồ Tùng Mậu, Nam
Từ Liêm, Hà Nội), là giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) với
tội danh trốn thuế. Tuy nhiên, mặc dù là một tội hình sự bình thường, không đi
kèm với các yếu tố chính trị nhưng câu chuyện liên quan bà Khanh nhanh chóng được
nói đến như thế đó là cách nhà nước Việt Nam sử dụng để dập tắt ý chí chống đối
của bà này.
Trước đó, ngày 9-2,
Công an TP Hà Nội cho biết, việc khởi tố, bắt giam bà Khanh để điều tra về hành
vi trốn thuế, quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự.
Chân dung bà Ngụy Thị Khanh, người mới bị tuyên
án 24 tháng tù giam với tội danh Trốn thuế (Nguồn: Facebook)
Dẫn về những ý kiến cho
thấy các nhà vận động về môi trường quốc tế đều lên tiếng phản đối án tù dành
cho bà Khanh, Ngọc Thu/Việt Tân cho biết thêm: “Ông Michael Sutton, Giám đốc Goldman Environmental Prize, tổ chức 2018
đã trao giải môi trường cho bà Khanh nhận định: “Các cáo buộc pháp lý nhắm vào
bà Nguỵ Thị Khanh là một phần trong một nỗ lực rộng lớn hơn nhằm bịt miệng các
nhà lãnh đạo môi trường ở Việt Nam.”
Jake Schmidt - Giám đốc Chiến lược Cấp cao thuộc Chương
trình Quốc tế về Khí hậu thuộc Natural Resources Defense Council (NRDC) cho rằng:
“Các nước và các công ty phương Tây rất mong muốn được đầu tư vào việc chuyển đổi
năng lượng sạch ở Việt Nam, nhưng họ không nên làm vậy nếu không có sự đảm bảo
từ Chính phủ Việt Nam rằng xã hội dân sự có thể hoạt động một cách xây dựng, tự
do và không sợ bị trả thù, bị tội phạm hoá.“
Dư luận quốc tế đều
nhìn ra hành vi gáng tội trốn thuế cho bà Khanh nhằm tiến hành cuộc đàn áp nhắm
vào các quyền tự do biểu đạt và quyền tự do lập hội”.
Điều dễ thấy ở đây là
bà Khanh từ một tội danh mang tính cá nhân, của riêng bà ta bỗng chốc được nâng
tầm, gắn với những toan tính chính trị của nhà nước đối với bà. Trong khi họ -
những nhà vận động môi trường được nêu tên hoàn toàn không đưa ra được một bằng
chứng cụ thể để chứng minh cho điều mình nói.
Nghiêm trọng hơn, mặc
dù tội chứng sờ sờ ra đó nhưng các nhà vận động này hoàn toàn bỏ quên cái tội
danh khiến bà này bị kết án 24 tháng tù giam mà đi thao thao bất tuyệt nói đến
những điều khác.
Trước bà Khanh từng có
một nhà dân chủ bị tuyên án cũng với tội danh trốn thuế đó là Lê Quốc Quân. Ở
thời điểm đó, vụ án hình sự bình thường này cũng nhanh chóng được chính trị hóa
một cách bất chấp. Những người nêu vấn đề đã cố gắng gán ghép vào đó những thuyết
âm mưu mà như thể họ chính là người dựng lên và thực hiện đến cùng. Và từ một
hành vi phạm tội có tính cá thể, có bằng chứng đàng hoàng, Lê Quốc Quân khi đó
được “vinh danh”, được các tổ chức bên ngoài để ý đến. Đương nhiên, với cách PR
đã thành bài của đám dân chủ trong nước, đài báo quốc tế cùng hàng loạt các tổ
chức nhân quyền nọ kia, tên tuổi của Lê Quốc Quân được nhiều người biết đến.
Quân cũng nằm trong danh sách những cái tên được vận động ra nước ngoài sinh sống.
Và đến nay, kịch bản một lần nữa lại lặp đến với bà Ngụy Thị Khanh.
Tuy nhiên, cần thấy rằng,
đó là những chiêu trò mà những kẻ chống phá nhà nước Việt Nam đang ra sức thực
hiện. Chúng lừa mị thiên hạ nhưng hoàn toàn không hiểu rằng chừng đó thôi chưa
đủ để khiến người ta phải tin đến không cần kiểm chứng. Sau tất cả, chỉ càng
khiến cho dư luận hiểu rằng: Đó thực chất là cách để chúng đánh bóng tên tuổi
cho những kẻ nhúng chàm, từng có quá khứ hoạt động chống phá nhà nước.