Sự việc xẩy ra tại thủ đô Hà Nội hẳn hoi. Theo
phản ánh của báo Thương hiệu và Pháp luật và ghi nhận được thì, vào lúc 14h15
ngày 11/10/18, tại trụ sở báo này đã 3 đối tượng tự xưng là người của Công ty
TNHH NMH với bộ mặt hung dữ đã tự ý xông vào trụ sở tòa soạn, lớn tiếng yêu cầu
được gặp Tổng biên tập và phóng viên.
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự việc cũng được
báo này cho biết là liên quan trực tiếp tới "từ việc báo này đã trích
đăng Thư cảm ơn của Công ty cổ phần quốc tế CT Việt Nam với nội dung tường
thuật lại sự việc đã xảy ra tại công ty và việc tiếp nhận thông tin, giải
quyết, xử lý vụ việc một cách nhanh chóng, khách quan của các cán bộ, chiến sỹ
Công an Hà Nội vào ngày 10/10/2018" (theo blog Tre Làng).
Một cảnh trong vụ việc gây rối tại tòa soạn báo
Thương hiệu và Pháp luật (Nguồn: FB)
Ngay cả khi công luận và lực lượng chức năng đã
vào cuộc nhưng với bản chất côn đồ, nhóm người đã có mặt tại trụ sở. Tại đây,
nhóm người này đã có nhiều hành động gây rối trật tự công cộng, đe dọa, nhục
mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các nhà báo.
Trước sự việc với thái độ nhã nhặn, đại diện báo
đã ra giải thích nhưng 03 người có mặt đã cố tình phớt lờ và tiếp tục có
lời nói lăng mạ, xúc phạm. Lực lượng bảo vệ tại tòa soạn báo cũng đã có mặt để
yêu cầu 3 người này ra khỏi tòa soạn, không làm ảnh hưởng tới hoạt động bình
thường của tòa soạn báo song vẫn không được đáp lại. Việc quấy rối theo ghi
nhận sau đó có phần còn gia tăng và 3 người này còn tỏ ra dữ tợn hơn.
Trước đó, cũng theo báo này phản ánh thì phóng
viên, nhân viên của báo đã nhận được những tin nhắn có tính đe dọa, mạt sát và
xúc phạm. Đại diện báo đã trình báo lực lượng công an toàn bộ nội dung các tin
nhắn mà phóng viên, nhân viên báo nhận được và đề nghị lực lượng công an giúp
đỡ.
Vào thời điểm diễn ra sự việc gây rối của 3
người, do đại diện báo và các chủ thể liên quan không trình báo nên cho đến khi
3 người này rời khỏi tòa soạn báo với những lời lẽ xấc xược, họ vẫn chưa được
sự giúp đỡ của lực lượng Công an. Tuy nhiên, thiết nghĩ để răn đe và cũng không
rơi vào tình trạng tương tự nên chăng báo Thương hiệu và Pháp luật nên có đơn
trình báo tới lực lượng công an và cung cấp toàn bộ nội dung sự việc thông qua
trích xuất camera tại hiện trường. Về phía lực lượng công an nên chăng cũng nên
chủ động tiếp cận sự việc để điều tra, xử lý hành vi có tính côn đồ và xã hội
đen đã diễn ra.
Báo chí là một ngành nghề đặc biệt, có tính va
chạm xã hội cao và hữu ích cho xã hội. Vì vậy, ngoài việc đội ngũ làm báo phải
học cách bảo vệ mình, xử trí khôn ngoan trước những vấn đề được phản ánh
thì thiết nghĩ lực lượng công an, cơ quan hữu trách cũng nên vào cuộc, có cơ
chế để bảo vệ họ, để những điều tương tự không còn xảy ra, làm rúng động dư
luận như đã xảy ra.
PHƯƠNG NAM