"Kiêu binh nổi loạn" là một hồi trong
Hoàng Lê Nhất thống chí nói về một giai đoạn lịch sử Việt Nam thiếu vắng minh
quân; xã hội rối ren không có người cầm trịch, dẫn đường chỉ lối. Nhưng có vẻ
như cụm từ này đang đúng với một bộ phận phong trào cờ đỏ tại Việt Nam trong
thời gian gần đây.
Trước hết, có thể xác tín rằng, việc ra đời của
Hội cờ đỏ (hoặc phong trào cờ đỏ) là hoàn toàn tự phát, nhằm phản đối lại hoạt
động đi ngược lại lợi ích của dân tộc, đất nước, phản đối những xu hướng chính
trị cực đoan của người dân do một số kẻ khác, bên ngoài giật dây. Và trên thực
tế, chính cái lực lượng tự phát và hoạt động hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện
này đã giúp cho nhà cầm quyền, giới chức địa phương ổn định tình hình. Hoạt
động của hội cờ đỏ tại Nghệ An, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là ví dụ.
Đó cũng là lực lượng đối trọng lại những thế lực
nhân danh và lợi dụng số đông quần chúng để áp đảo lại chính quyền.
Nói như thế để thấy, đấy là lực lượng tiến bộ
trong xã hội, cần thiết để đảm bảo sự phát triển đúng hướng của một đất nước,
nhỏ hơn là một địa phương. Và xin thưa, nếu muốn tổ chức này đi đúng hướng,
thực sự là một lực lượng tiến bộ thì chính quyền - với tư cách là lực lượng
được pháp luật giao quyền quản lý xã hội không thể đứng ngoài. Họ sẽ phải biết
cách, nghĩ cách phát huy những lợi thế, mặt mạnh của tổ chức này mà vẫn không
tạo ra những xung đột có tính đối kháng hoặc làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa
những chủ thể khác trong xã hội.
Tuy nhiên, qua theo dõi thì tại một số nơi đang
xuất hiện những tiền đề cho cái gọi là 'kiêu binh nổi loạn". Theo đó, tại
một số xã của Nghệ An, cụ thể hơn là tại xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An -
nơi mà phong trào cờ đỏ từng khiến Lm Quản xứ Song Ngọc Nguyễn Đình Thục từng
khiếp bạt vía, phong trào/ hội cờ đỏ tại đây đã vô tình trở thành một lực lượng
khác có nguy cơ đối trọng với chính quyền. Những stt được chụp lại từ Fb người
đứng đầu phong trào cờ đỏ tại đây cho thấy rất rõ điều này:
Tuyên bố của người đứng đầu phong trào cờ đỏ tại
xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An (Nguồn: FB)
Và xin thưa, họ (phong trào/hội cờ đỏ) sẽ thực
sự nguy hiểm hơn bất cứ tổ chức chính trị đối lập, tổ chức phản động nào nếu
chính quyền địa phương vẫn đứng ngoài cuộc và vẫn không hình dung ra những nguy
cơ đang hiện hữu từ phong trào kiểu này!
Có lẽ khi đọc đến đây, sẽ có người nói rằng,
trong chuyện này có cái khó của chính quyền là nếu có động thái, đưa họ vào
khuôn khổ thì chẳng khác gì chính quyền thừa nhận đó la tổ chức của mình dù
thực tế đó được hình thành tự phát. Những kẻ bấy lâu la ó, lên án chính quyền
sẽ có dịp phô trương và thóa mạ chính quyền. Khi đó, chính quyền sẽ đứng giữa 2
lực lượng và điều đó sẽ ảnh hưởng tới nguy cơ tồn vọng của thể chế chính trị
nếu có yếu tố kích động, hậu thuẫn từ thế lực chính trị khác. Hay nói cách
khác, viễn cảnh cách mạng màu sẽ diễn ra từ những điều như thế.
Đó cũng là điều đáng để suy nghĩ và luận bàn.
Nhưng xem ra nó không nguy hiểm bằng việc bỏ mặc để rồi những phong trào/ hội
cờ đỏ kia sẽ trở thành những thế lực đối lập thực sự và ngay trong lòng đất
nước.
Dẹp bỏ hay để nó tồn tại trong quy củ và giải
pháp để thực hiện nó quả là một bài toán khó. Nhưng để nó tồn tại và hoạt động
theo xu hướng hiện nay thì nó sẽ không chỉ là tiền đề hình thành thế lực chính
trị mới mà còn tạo ra những vết rạn nứt trong lòng xã hội hiện nay - trong đó
nguy cơ mất đoàn kết dân tộc là hiện hữu nhất. Và khi đó, sự bất ổn trong nước
sẽ là tiền đề cho ngoại bang nhòm ngó và xâm lấn!
TRÙNG DƯƠNG