Ảnh: Lê Văn Dũng trước tòa ngày 23/3/2022 (Nguồn vtcnow)
Sáng ngày 23/03/2022, trong phiên tòa xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Lê Văn Dũng tức Dũng vova bị tuyên phạt 5 năm tù và 5 năm quản chế vì phạm tội “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự 1999.
Trong phiên tòa, theo nhận định từ phía các luật sư của Dũng là Đặng Đình Mạnh và Hà Huy Sơn: Dũng hoàn toàn tỉnh táo, bình tĩnh về tinh thần và rằng Dũng thừa nhận hoàn toàn các hành vi mà cơ quan An ninh điều tra truy cứu, cụ thể là các clip mà Dũng đã post công khai trên trang cá nhân của mình. Tuy nhiên, mặc dù đã thừa nhận đã thực hiện các hành vi như cáo trạng truy tố, nhưng không cho đó là những hành vi vi phạm pháp luật. Từ đó Hội đồng xét xử nhận định bị cáo Lê Văn Dũng là người có đầy đủ nhận thức và điều khiển hành vi, biết rõ việc làm của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý phạm tội. Hội đồng xét xử nhận định, đây là vụ án nghiêm trọng, xâm phạm tới an ninh quốc gia, trước đó bị cáo Dũng đã 3 lần bị Công an quận Hoàn Kiếm xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng. Bị cáo không ăn năn hối cải mà tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm. Hội đồng xét xử quyết định cách ly bị cáo Dũng ra khỏi xã hội một thời gian, nhằm cảnh cáo, răn đe và phòng ngừa chung.
Trong cùng phiên xét xử, Tòa với bị cáo Lê Dũng Vova trong vụ án này còn có bị cáo Nguyễn Văn Son (sinh năm 1956, trú tại xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) bị Tòa tuyên phạt 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 36 tháng về tội "Che giấu tội phạm" theo quy định tại Điều 389, khoản 1, điểm a - Bộ luật Hình sự năm 2015. Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Văn Son thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Hội đồng xét xử xác định bị cáo Son đã tiếp tay cho tội phạm, gây khó khăn cho công tác điều tra. Tuy nhiên, xét bị cáo Son đã thành khẩn khai báo, nhân thân chưa tiền án tiền sự, đã từng tham gia Quân đội, gia đình có công với cách mạng… nên Tòa quyết định giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo Son.
Việc Dũng vova phải nhận án phạt vì hành vi của mình là nằm trong dự đoán. Việc thừa nhận hành vi của mình của Dũng như một cái tát vào mặt các tổ chức Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) và Phóng viên Không Biên giới (RSF), Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW)… Những tổ chức trên vẫn luôn mồm kêu gào Dũng là “nhà báo công dân” và các hành vi đó chỉ là “để bình luận về nhiều vấn đề chính trị và xã hội, bao gồm cả cung cấp thông tin về pháp luật và các quyền cơ bản”. Như vậy, các tổ chức trên cần xem xét lại những lời nhận xét của mình nên căn cứ vào luật pháp quốc tế và pháp luật nước sở tại chứ không chỉ dựa trên những nhận định phiến diện, một chiều.
Dũng chuyên “tư vấn về pháp luật” nhưng chính bản thân Dũng lại không hiểu về việc vi phạm của bản thân. Hi vọng quãng thời gian thụ án sẽ giúp Dũng nhận ra và hối cải để sớm có ngày trở về đoàn tụ với gia đình.
Thiên Bình