TÂM BÌNH
Cuộc khủng hoảng ở Kazakhstan được khơi nguồn từ cuộc biểu tình bắt đầu ngày 3/1 ở phía tây Kazakhstan khi giá nhiên liệu tăng. Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) được hầu hết người dân địa phương sử dụng làm nhiên liệu chạy ô tô thay vì xăng dầu. Chính phủ đã từ chối tiếp tục trợ giá và khẳng định rằng, từ giờ trở đi, giá LNG sẽ hoàn toàn do thị trường kiểm soát. Các cuộc biểu tình đã bùng phát ở thị trấn Zhanaozen và nhanh chóng lan rộng ra phía tây và phía bắc của đất nước. Những người biểu tình đã chặn đường ở một số khu vực trung tâm của Kazakhstan và yêu cầu giá LNG phải giảm xuống mức như trước. Ngay sau đó nó đã nhanh chóng biến thành cuộc bạo loạn với sự tham gia, góp mặt của rất nhiều người nước ngoài có vũ trang.
Đất nước Kazakhstan vốn là một vùng đất hết sức bình yên, Kazakhstan đã phát triển ổn định trong suốt 3 thập kỷ qua, là một trong những quốc gia Liên Xô cũ phát triển nhất với GDP bình quân đầu người hơn 9.000 USD (năm 2020). Kazakhstan có nền nông nghiệp trù phú, giàu dầu khí và đóng vai trò là tuyến đường trung chuyển nhiên liệu quan trọng, có vai trò quan trọng đối với khu vực Trung Á. Kazakhstan là nước xuất khẩu Urani lớn nhất thế giới và nằm trong số những nước sản xuất dầu, than đá hàng đầu.
Kazakhstan là láng giềng của cả Nga và Trung Quốc nhưng vị thế địa - chính trị đã khiến nước này không đơn thuần chỉ là một láng giềng thông thường. Tuy nhiên Mỹ cũng có rất nhiều lợi ích ở Kazakhstan khi những công ty năng lượng lớn của nước này như Exxon Mobil và Chevron đã đầu tư hàng chục tỷ USD ở phía tây Kazakhstan.
Có thể thấy rằng cuộc bạo loạn, khủng hoảng xảy ra ở Kazakhstan có kịch bản khá giống với các cuộc bạo loạn đã từng xảy ra ở các quốc gia khác như Lybia, Syria, Ukraine, Iraq… Tất cả đều bắt nguồn từ một vấn đề rất nhỏ trong xã hội và được thổi bùng lên rất nhanh bởi một thế lực, một tổ chức đứng đằng sau chỉ đạo, điều hành một cách rất bài bản và chuyên nghiệp. Tất nhiên là tổ chức, thế lực đó phải có rất, rất nhiều tiền thì mới có thể tổ chức, huy động, thuê mướn được rất nhiều người tham gia và được trang bị cả vũ khí. Đồng thời tổ chức này đã lợi dụng triệt để các trạng mạng xã hội như Facebook, WhatsApp, Telegram, WeChat …để kích động, lôi kéo người dân cũng như là để liên lạc với nhau.
Tuy nhiên cuộc khủng hoảng ở Kazakhstan hơi khác so với các cuộc khủng hoảng, các cuộc cách mạng màu đã xảy ra tại các quốc gia khác là sự xuất hiện và tham dự rất nhanh của lực lượng gìn giữ hoà bình thuộc tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể CSTO do Nga đứng đầu khi mà cuộc bạo loạn mới chớm nảy sinh ở Kazakhstan.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi thành lập gần 30 năm trước, lực lượng CSTO triển khai một sứ mệnh như ở Kazakhstan. Phản ứng nhanh chóng, quyết đoàn của CSTO đã ngăn chặn nguy cơ bùng phát bạo loạn trên diện rộng, nguy cơ xâm phạm an ninh của cả khu vực. Và có lẽ sự phản ứng quá nhanh và quyết liệt của CSTO đã khiến cho mọi toan tính, chuẩn bị của tổ chức, lực lượng đứng sau kích động cuộc bạo loạn ở Kazakhstan bị bất ngờ. Cũng như hành động của chính phủ Kazakhstan là kịp thời phong toả mạng internet để ngăn chặn kịp thời việc tổ chức, liên lạc của các tổ chức phá hoại bên ngoài. Nhờ có như vậy mà tình hình ở Kazakhstan nhanh chóng được ổn định, đời sống người dân được trở lại như cũ.
Như vậy có thể thấy, từ một đất nước hết sức bình yên nhưng khi có mâu thuẫn, xung đột lợi ích của các quốc gia lớn thì mọi chuyện bất ổn đều có thể dễ dàng xảy ra và nếu chính quyền không tỉnh táo, không quyết liệt, không phản ứng nhanh thì hệ quả thảm khốc sẽ phải gánh chịu như các quốc gia Lybia, Iraq, Syria chắc chắn xảy ra…Và người dân ở quốc gia đó sẽ là những người chịu khổ nhất, chỉ có các nước lớn mới được hưởng lợi. Đồng thời khi nhìn về Việt Nam, chúng ta thấy cũng cần phải có những biện pháp quản lý chặt chẽ các trang mạng xã hội; tự do nhưng phải trong khuôn khổ luật pháp để đảm bảo an ninh quốc gia, đảm bảo cuộc sống bình yên của nhân dân.