Thời gian qua, Võ An
Đôn tỏ ra rất bận rộn với lịch kín dày đặc những việc tham gia bào chữa cho các
bị cáo trong các phiên tòa. Điều đáng nói ở đây, những phiên tòa mà Võ An Đôn
tham dự với tư cách là luật sư bào chữa thì người và tội đã rõ mười mươi, vị luật
sư họ Võ chỉ đến cãi chày, cãi cối với lí sự cùn cùng giọng điệu quen thuộc
“thân chủ của tôi vô tội” và khi phiên tòa kết thúc, bản án được tuyên bố thì
Võ An Đôn luôn mồm “phiên tòa oan sai”.
Trước và sau mỗi phiên
tòa, trên trang cá nhân của mình, Võ An Đôn đều cập nhật tình hình. Phiên tòa gần
đây nhất, Võ An Đôn nói rằng, y đang bào chữa cho bị cáo Huỳnh Thị Mỹ Vân và
anh Nguyễn Tuấn Kiệt trong vụ việc 21 người vượt biên qua New Zealand.
Ngày 13/12/2016, Tòa án
nhân dân (TAND) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xét xử 21 người vượt biên qua New
Zealand nhưng bị hải quân Úc bắt trả về Việt Nam. TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
tuyên phạt Nguyễn Giao Thông (27 tuổi) 3
năm 6 tháng tù, Nguyễn Tuấn Kiệt (42 tuổi) 3 năm tù, Vũ Tuấn Khanh (25 tuổi)
và Huỳnh Thị Mỹ Vân (40 tuổi) cùng lãnh
18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Cả 4 bị cáo trên cùng trú huyện Châu Đức,
tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo hồ sơ vụ án, Nguyễn Giao Thông vượt biên trái phép
sang Úc nhưng bị nước sở tại bắt giữ và trục xuất về. Khi về Việt Nam, đến
tháng 4/2016, Thông lại đứng ra tổ chức vượt biên và lần này là New Zealand.
Ảnh:
Bốn bị cáo bị xét xử về tội “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” (Nguồn:
Internet)
Thông trực tiếp rủ rê,
lôi kéo bạn bè người thân trên địa bàn huyện Châu Đức, trong đó có bạn là Vũ Tuấn
Khanh. Mỗi người tham gia vượt biên trái phép phải đóng cho Thông 110 triệu đồng.
Tổng cộng, Thông rủ được hơn 10 người, Khanh rủ được 5 người. Trong khi đó, vợ
chồng Vân - Kiệt lo tìm ghe và làm tài công. Vân cũng rủ được hai người khác
cùng đi. Còn Kiệt đã thuê ghe của một người ở Vũng Tàu, với giá là 30 triệu đồng/tháng
nói là để “thu mua hải sản”. Sau khi có ghe, các bị cáo trên đã gia cố lại, mua
sắm nhu yếu phẩm.
Tối 18/5, ba bị cáo gồm
Thông, Kiệt, Khanh cùng 18 người khác đã lên ghe, xuất phát từ Long Hải (huyện
Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) trốn sang New Zealand. Sau 20 ngày, khi ghe
đến vùng biển nước Úc thì bị cơ quan chức năng nước này bắt giữ. Ngày 16-6,
toàn bộ 21 người xuất cảnh trái phép bị Chính phủ Úc trục xuất về Việt Nam. Điều
đáng nhấn mạnh ở đây, trong số 21 người tham gia chuyến đi, có 14 đối tượng
trên 16 tuổi đã bị phòng Quản lý xuất nhập
cảnh Công an TPHCM và Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra quyết định xử phạt hành
chính về hành vi xuất cảnh trái phép.
Cáo trạng rõ ràng, đặc
biệt các bị cáo cầm đầu mà Võ An Đôn đứng ra bào chữa thì đây là lần tiếp theo
tái phạm chứ không phải lần đầu tiên. Vị luật sư này còn viết trên mạng xã hội
facebook theo hướng than nghèo, kể khổ gia cảnh các bị cáo của mình và lấy đó
làm lý do ngụy biện cho việc coi thường luật pháp khi tiếp tục hành vi tổ chức
cho người vượt biên trái phép. Võ An Đôn viết: “Những người vượt biên đa phần là nghèo khổ, họ ra đi với mong muốn có
việc làm với thu nhập cao, nhưng Tòa án xử họ mức án quá nặng…”.
Vậy, phải chăng, kẻ
hành nghề luật sư như Võ An Đôn đang cổ súy cho hành động vượt biên trái phép của
những bị cáo trên nói riêng và những người đã, đang và sẽ có hành động tương tự
như thế nói chung? Với một lý do đầy ngụy biện, tráo trở là vì “nghèo khổ”, “muốn
có việc làm với thu nhập cao”? Và theo lý sự cùn của Ls Võ An Đôn thì vì lý do
trên nên phía Tòa án phải xử nhẹ nhàng cho các bị cáo mà không được xử án nặng?
Chỉ cần gõ cụm từ “Hệ lụy của những cuộc vượt biên trái phép” trên công cụ tìm
kiếm Google chỉ trong vòng 0.73 giây cho ra khoảng 448.000 kết quả, bao trùm nội
dung là những hệ lụy khôn lường cho hành động vượt biên trái phép (không loại
trừ điểm đến là quốc gia nào).
Như thế mới biết được tại
sao phía Nhà nước lại nghiêm cấm hành động vượt biên trái phép cũng chỉ vì muốn
bảo vệ chính quyền lợi, đảm bảo sự an toàn cho công dân của mình mà thôi. Điều
này cũng là lời giải thích cho Võ An Đôn khi y đang tru tréo rằng, điều luật mới
có “khung hình phạt nặng hơn” cho hành vi vượt biên trái phép. Hài hước hơn, vị
luật sư họ Võ này còn tự hào, khoe khoang sự cố súy cho hành vi vi phạm pháp luật
của mình rằng, đây là “vụ án vượt biên thứ
3 mà tôi nhận bào chữa trong năm nay, hai vụ vượt biên qua Úc trước đây xét xử ở
tỉnh Bình Thuận”.
Võ An Đôn – vị luật sư
đang ngày càng trượt dài trên vết xe đổ do chính mình tạo ra và y sẽ phải trả
giá cho những phát ngôn, hành vi cổ súy những hành động vi phạm pháp luật của
những đối tượng cực đoan khác.
TRÙNG
DƯƠNG